Giới thiệu chung
ĐÌNH THÔN THẦN XÃ MINH ĐỨC – HUYỆN ỨNG HÒA
Đình Thần tọa lạc trên vùng đất giữa làng ven sông Gáo thuộc thôn Thần xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội. Đình ngoảnh hướng Tây, phía trước là mặt sông, hai bên tả hữu là khu dân cư. Đình thờ Quảng Bác đại vương vị Thuỷ Thần, tương truyền vào thời Hùng Vương đời thứ 8 – là anh hùng đánh giặc, chống bão lụt giỏi.
Ngôi đình có từ lâu đời, do bàn tay lao động những khối óc thông minh sáng tạo của cổ nhân con người Thần làm ra. Công trình kiến trúc tôn giáo – nghệ thuật điêu khắc trên gỗ thế kỷ XVIII. Trên câu đầu ghi dòng chữ “Lê Triều Cảnh, Hưng tứ thập lục niên kiến nguyệt sơ thập nhật đại cát”. Nghĩa là đình Thần được xây dựng vào năm 1785. Từ đó đến nay, trải qua thời gian đình Thần cũng đã xuống cấp. Nhìn phía ngoài đao đình không còn nhưng vào trong mới thấy những lớp kiến trúc nghệ thuật cổ lộng lẫy.
Hiện nay đình Thần còn bảo tồn tòa đại bái có tường gạch bao quanh. Phía trước sân đình có bức bình phong chắn những luồng gió, khí độc. Bình phong đắp kiểu cuốn thư trang trí hoa văn phối cảnh cùng với hàng cây xanh vờn dưới mặt nước sông Gáo.
Đại bái dáng lùn, tường xây gạch vuông bát tràng, bốn đao đình đã bị gẫy, mái cong lợp ngói ri. Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhất (一) nền nhà lát gạch để thoáng không gian là nơi tụ hội của dân làng. Đây là công trình kiến trúc thời Lê, còn lưu nhiều dấu tích như bốn hàng chân cột, phía trên đỉnh có đấu mộng thắt đáy. Thân cột còn dấu lỗ đục sàn. Những bộ vì Thượng làm kiểu chữ đinh đặt trên câu đầu, dưới là bộ kẻ trục to làm bằng cả cây gỗ tròn đường kính 25cm. Hai vì gian giữa có 4 bức rường cốn chạm kênh bong các tích cổ “Long hý thủy” con rồng biểu trưng từ trên trời hút nước, hoặc phun nước xuống đầm sen để muôn loài vật, cây cối mát mẻ, sinh sôi, cạnh đó các loài vật, cá, thú, chim và muôn cây đua nở. Cảnh tích Ngư long quần thực, các con rồng biểu trưng từ trên trời hút nước hoặc phun nước xuống đầm sen để muôn loài vật, cây cối mát mẻ sinh sôi, cạnh đó các loài vật cá thú, chim và muôn cây đua nở, các con rồng quây quần quanh nhau trong cuộc sống thanh bình, sông nước, mây mưa… Những bức cốn ở đây, ta thấy tập trung miêu tả cảnh sinh hoạt sông nước vùng đồng chiêm, nó phản ánh đích thực đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Họ cầu mong được mùa được nhiều lúa khoai và cá để có cuộc sống no đủ và từ đó cộng đồng cư dân mở hội mừng được mùa, mở hội ôn lại truyền thống chống ngoại xâm, thiên nhiên để có cuộc sống no đủ như ngày hôm nay. Vào đình, ngỡ tưởng như được trở lại với tổ tiên thời nhà Lê Hưng thịnh.
Đình thôn Thần có đầy đủ những giá trị về lịch sử văn hóa nghệ thuật và kiến trúc cổ. Đình Thần có quy mô to lớn, nhiều mảng điêu khắc nghệ thuật đẹp ở thế kỷ XVIII hiếm có trong các di tích vùng phía Nam Ứng Hoà.
Hình ảnh di tích
Mặt bằng tổng thể đình thôn Thần
Đình thôn Thần nhìn từ hướng Tây Nam
Hiên trước Đại bái
Không gian nội thất Đại bái
Gian giữa Đại bái
Bẩy hiên Đại bái
Vì nách Đại bái
Vì nóc Đại bái
Trang trí đầu dư gian giữa Đại bái
Dạ câu đầu gian giữa khắc niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785)
Ban thờ Thành hoàng ở Hậu cung