Cứ tầm 2 giờ, khi mọi người còn đang say giấc ngủ, không khí trong làng Bặt đã rộn ràng với những người thợ miệt mài làm bún. Khi trời vừa rạng sáng là lúc những mẻ bún trắng muốt ra lò, tỏa hương thơm nức, được xuất đến các chợ trong vùng, để rồi mang đi phục vụ thực khách.
Để có được những mẻ bún thơm ngon, chất lượng như vậy, đòi hỏi những đôi bàn tay khéo léo và sự cẩn thận tỉ mỉ. Người thợ phải biết lựa chọn gạo tẻ không quá dẻo, vo thật sạch rồi ngâm trong nước. Theo truyền thống xưa, gạo phải ngâm tới 5 ngày mới có thể làm bột, nhưng ngay nay, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, chỉ cần một ngày là gạo đủ để xay thành bột mịn. Sau đó, bột được đưa vào khuôn vắt thành sợi, rồi cho vào nồi luộc. Vài ba phút sau, những sợi bún vớt ra sẽ được đặt lên các thúng tre có lót lá chuối, hong khô và ủ trước khi được mang đi bán. Thực khách có thể dễ dàng thưởng thức bún Bặt từ những bát bún thang Hà Nội, bún ốc Hải Phòng, bún riêu cua Vân Đình và cả bún rau mơ ngọt bùi Thanh Ấm.
Ngày nay, bún kẻ Bặt không chỉ là nguồn sống của bao gia đình, mà còn là biểu tượng của sự thay đổi và phát triển của làng quê. Nhờ vào nghề làm bún, nhiều gia đình đã xây dựng được cuộc sống đủ đầy, ấm no. Làng Bặt từ một vùng quê nghèo khó, giờ đường làng, ngõ xóm đều trở nên khang trang, trong làng không còn hộ đói.
Bún kẻ Bặt không chỉ là một món ngon mà còn là một phần của văn hóa, của tình yêu quê hương, là sự kết tinh của những giá trị truyền thống. Mỗi sợi bún đều mang trong mình câu chuyện về những người thợ làng Bặt cần mẫn, chăm chỉ, kiên trì. Nếu có dịp ghé thăm Ứng Hòa, đừng quên thưởng thức món bún Bặt, để cảm nhận không chỉ hương vị mà còn là câu chuyện đầy cảm xúc của một vùng đất giàu truyền thống.