Giới thiệu chung
CHÙA CUNG THUẾ (LONG VÂN TỰ)
Chùa Cung Thuế có tên chữ là Long Vân Tự, chùa thường được gọi theo tên làng Thôn Cung Thuế, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Cung Thuế là một làng Việt cổ từ xưa. Ở thời Lê Trung Hưng, Cung Thuế thuộc về huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Gia Long 13 (1814) phủ Ứng Thiên đổi là phủ Ứng Hòa. Năm Minh Mệnh 12 (1831), bỏ trấn Sơn Nam đặt làm tỉnh Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX huyện Sơn Minh đổi làm huyện Sơn Lãng. Năm Mậu Tý (1888) đặt tỉnh Hà Đông. Cho tới trước cách mạng 8/1945 Cung Thuế là xã thuộc tổng Đông Lỗ, huyện Sơn Lãng, phủ Úng Hoà, tỉnh Hà Đông.
Năm 1953, sau khai phát hiện được hệ thống hầm bí mật trong lòng đất chùa Cung Thuế, giặc Pháp đã đốt phá ngôi chùa. Toàn bộ kiến trúc bị phá huỷ. Các di vật trong chùa bị huỷ hoại, hư hỏng hầu hết. Sau khi hòa bình lập lại, nhằm giữ lại một “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp cho các thế hệ sau, nhân dân Cung Thuế đã nhặt nhạnh các di vật còn lại, tập trung lại, dựng lên một tòa nhà khiêm tốn trên nền chùa cũ làm nơi thờ tự. Cho tới năm Nhâm Thân 1992, nhân dân Cung Thuế đã gom góp tiền của tu bổ sửa chữa lại ngôi chùa theo như quy mô hiện nay. Hiện tại, còn lại rải rác trong vườn chùa, góc sân, bậc lên xuống cổng chùa là các dấu tích kiến trúc của ngôi chùa cũ.
Chùa Cung Thuế hiện nay có mặt bằng hình chữ đinh (丁) trông về hướng Tây, quy mô bao gồm: chùa chính, nhà thờ tổ mẫu và khu công trình phụ trợ, phục vụ cuộc sống của nhà sư trông nom chùa.
Từ đường làng, bước lên mấy bậc xây kè gạch – đá là lên tới sân chùa. Khoảng sân chùa hẹp, chỉ rộng chừng 2,5 m, là nơi bài trí các chậu cây cảnh. Một bức bình phong chắn phía trước gian giữa. Bình phong được xây dựng bằng vôi vữa, quy mô thấp nhỏ.
Tiền đường chùa là một nếp nhà 3 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai. Từ hai tường hồi chùa là 2 bức tường lửng đua ra nối liền với đôi cột trụ biểu tạo tay ngai. Cột trụ biểu có mặt cắt hình vuông, cao ngang lưng mái. Đầu trên cột trụ biểu bổ trụ lồng đèn vuông vức. Trên lồng đèn là bông hoa sen hàm tiểu cách điệu. Mặt thân trụ biểu có trát gờ mép. Lòng thân là nơi ghi các đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa, cảnh Phật. Các bộ vì tòa tiền đường được làm theo kiểu vì kèo kẻ giá chiêng trên quá giang gối tường, thiên về sự bền, chắc. Phần khung mái được làm chủ yếu từ tre ngâm như đòn tay, rui, mè… Gian giữa tiền đường để trống, thuận lợi cho việc hành lễ. Hai gian bên là nơi tọa lạc của các pho tượng Hộ pháp, Đức Ông và Đức Thánh Hiền. Mặt trước các gian tiền đường làm hệ thống cửa đi theo hình thức cửa panô bản lề.
Thượng điện chùa Cung Thuế là một ngôi nhà dọc 2 gian, tường hồi bít đốc, nối với tiền đường ở gian giữa, xây dựng kiên cố chắc chắn. Lòng nhà thượng điện được xây các bệ từ thấp lên cao làm nơi tọa lạc cho các pho tượng Phật trong Phật điện. Từ bên tường sườn phải tòa thượng điện có một cửa nách ăn ra khoảng sân rộng phía trước nhà tổ – mẫu.
Tòa nhà tổ – mẫu được làm ở phía sau chùa chính, chếch sang bên phải. Tòa nhà này được xây dựng 4 gian tường hồi bít đốc với các bộ vì kèo kẻ giá chiêng trên quá giang. Ba gian ngoài là nơi đặt bàn thờ tổ, mẫu và tiếp khách đến vãng cảnh, lễ Phật. Một gian hồi bên phải được ngăn ra làm nơi nghỉ của nhà chùa, Các công trình phụ trợ được xây dựng liền kề bên cạnh.
Các nếp nhà chùa Cung Thuế cũng giống như nhiều ngọn chùa làng khác, được xây dựng chủ yếu thiên về sự bền vững, chắc chắn. Các bộ vì được làm bào trơn đóng bén, không hoa văn. Các lá mái được lợp loại ngói di bản mỏng, nhỏ truyền thông trong vùng.
Di vật
Chùa Cung Thuế trước đây rất phong phú về lượng di vật, hiện nay, chùa chỉ có một số lượng di vật khiêm tốn và trong đó có nhiều di vật mới được tu bổ, bổ sung gần đây. Các di vật của chùa hiện nay gồm:
Hệ thống tượng tròn có 21 pho, trong đó có 10 pho là các pho tượng cũ của chùa trước đậy. Trong số các pho tượng cũ này, còn duy nhất pho Đức Ông ngồi trên long ngai là còn được nguyên vẹn. Pho tượng cũng như long ngai được tạo tác khá công phu, tỉ mổ và là một pho tượng đẹp, có giá trị của chùa. Các pho tượng cũ khác đều bị gãy, vỡ, cháy dở, dân làng đã mất nhiều công sức tu bỏ sửa chưa như hiện nay.
Ở vị trí trên cùng, trang trọng nhất là bộ tượng “Tam thể thường trụ diệu pháp thân” hay còn có tên gọi khác là “Tam thế tam thiên Phật”. Ba pho tượng này có niên điểm ra đời không cùng nhau nhưng đã được làm theo các kích thước tương tự như nhau, trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen. Các tay tượng để trong các tư thế kết các ấn khác nhau như định ấn, vô úy, … Các tượng này đều được tạo trong tư thế ngồi hơi gò, ngực nở, eo thon. Huyệt vô kiến đỉnh trên đầu tượng được làm nổi cao, rõ. Áo tượng 2 lớp, lớp trong thắt núi thả trước bụng, lớp ngoài ôm sát người thả mềm. Các bệ sen của tượng được làm nở theo thế ngồi, với 3 lớp cánh nở xòe, đầu cánh hoa mập, thu gọn đầu.
Những pho tượng ở hàng thứ hai trên Phật điện cũng là những pho tượng đẹp. Chính giữa là pho A di đà có chiều cao 90 cm; rộng đùi 60 cm. Tượng trong tư thế ngồi kiết già với 2 tay đặt trong lòng kết định ấn. Đầu tượng có sọ nở. Các cụm tóc vấn được làm nổi cao, giống như một chiếc mũ úp chụp lên đầu. Bên trái pho A di đà là pho tượng Bồ Tát Quan Âm tọa sơn. Pho này được làm trong tư thế ngồi liên hoa trên núi. Đầu tượng có tóc búi ngược lên đỉnh đầu, bên ngoài phủ khăn thiên cát.
Ở các lớp tiếp theo, đáng chú ý là các pho tượng Thị giả dạng hoa hoặc bộ tượng Ngọc Hoàng cùng 2 vị Nam Tào, Bắc Đẩu coi sóc việc sinh bạ và tử bạ của Thượng giới. Những pho tượng trên đây, mặc dù đã qua tu sửa lại. đường nét điêu khắc còn cho thấy rõ niên điểm ra đời của các pho tượng này vào thế kỷ XVIII – XIX.
Hệ thống tượng chùa còn lại một số pho mới được phục hồi theo phong cách tạo tác và chất liệu mới.
– Một bức hoành phi “Long Vân Tự” và 2 đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa, cảnh Phật.
– Hai quả chuông đồng:
+ Quả chuông cũ có chiều cao 105cm kể cả cù lao, đường kính miệng 48cm. Cù lao chuông là một đôi rồng đấu đuôi nhau, gồng mình gánh đỡ sức nặng của quả chuông. Rồng có dáng mập, to, khoẻ, uy nghi. Thân chuông có 4 núm đánh nổi tròn chạy hạt viền quanh. Trên các ô thân có các chữ đúc nổi “Long Vân Tự chung” và dòng niên đại “Long phi kỷ dậu thu”. Căn cứ đường nét hoa văn có thể xác định chuông được đúc vào thời Nguyễn (Tự Đức) năm Kỷ Dậu (1849).
+ Quả chuông mới có đường kính miệng 48cm, cao 92cm với dáng hơi loe miệng. Thân chuông chia các ô trang trí hoa văn mây lửa và 4 chữ nổi “Xuân, hạ, thu, đông”.
– Một tấm bia đã đặt hậu cho chùa. Bia lập năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932).
– Một bộ tam sự đồng gồm 1 lư hương và đôi hạc nhỏ đứng trên lưng rùa.
Ngoài số di vật trên đây, trong chùa còn một số lượng các di vật, đến nay vẫn ghi lại rõ nét tội ác của giặc Pháp phá hủy chùa. Đó là những mảnh các mảng chạm của các bức cửa võng gỗ chạm lộng tứ linh, tứ quý; là chiếc mõ cháy dở, là các bát hương, chậu cảnh bằng đá có chạm hoa văn nổi. Đặc biệt, trong chùa còn lại một bệ tượng chạm hoa sen có niên đại ra đời ở cuối thế kỷ XVI, kích thước bệ là 40cm x 40cm x 40cm.
Chùa Cung Thuế, từ xưa tới nay không có ngày lễ hội riêng. Hàng tháng, vào ngày mùng một và rằm, các chư vãi trong làng lại lên chùa lễ Phật cầu xin sự bình an, thịnh vượng. Những ngày lễ tết trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên, Lễ Phật đản, lễ Vu Lan, Tết Trung thu, … là các dịp để các Phật tử, nhân dân trong làng lên chùa lễ Phật, vãng cảnh và tham gia vào các sinh hoạt văn hóa tâm linh tại chùa.
Chùa Cung Thuế được ra đời và tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo của dân làng. Chùa đã bị thay đổi nhiều do thời gian ảnh hưởng và chiến tranh tàn phá, nhưng dầu sao, di tích vẫn hội tụ những giá trị nhiều mặt của một kiến trúc Phật giáo truyền thống.
Hình ảnh di sản
Mặt bằng tổng thể chùa Cung Thuế
Tam bảo chùa Cung Thuế
Không gian nội thất Tiền đường
Tượng Khuyến Thiện ở Tiền đường
Bài trí tượng thờ ở Thượng điện
Vườn tháp chùa Cung Thuế
Bia “Long Vân tự, kỷ niệm công đức”, niên đại Bảo Đại Nhâm Thân (1932)
Chuông “Long Vân tự chung”, niên đại Tự Đức Kỷ Dậu (1849)