Di tích CHÙA DÀY (SA ĐÊ TỰ) Ứng Hòa

Giới thiệu

Chùa Dày có tên chữ là “Sa đê tự” tọa lạc trên một gò đất cao, nằm tách biệt ngoài đồng, xa khu vực cư trú của dân làng Kim Giang, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Chùa Dày còn là một di tích kháng chiến chống Pháp. Ở thời kỳ đầu, chùa là cơ sở hoạt động của an toàn khu (ATK). Năm 1942 chùa Dày là trụ sở, nơi tổ chức hội họp và làm việc của xứ uỷ Bắc Kỳ. Tại đây là nơi in ấn tài liệu, trong lòng đất dưới bệ thờ Phật là các căn hầm bí mật cất dấu vũ khí, che chở cho cán bộ du kích ngày đêm chống càn, đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Nơi đây ghi nhận bao tấm gương kiên cường bất khuất của các Đảng viên, du kích khu Cháy kiên cường trước quân thù.

Chùa Dày có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời. Nền móng còn lại cho thấy chùa bị đốt phá năm 1953, có quy mô khá lớn với nhiều hạng mục công trình: Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và khu sinh hoạt của các nhà sư trụ trì chùa. Nhân dân địa phương với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo đã khôi phục ngôi chùa của mình như ngày nay. Sa để tự hiện có quy mô bao gồm: cổng chùa, chùa chính và khu công trình phụ trợ, phục vụ cuộc sống của nhà sư trông nom chùa.

Cổng chùa mới xây dựng gồm hai tầng tám mái đao cong. Cổng vòm hai bên là tường lửng trụ vuông. Đầu trên cột trụ biểu bổ trụ lồng đèn vuông vức. Trên lồng đèn là hoa dành cách điệu. Mặt thân trụ có trát gờ mép. Lòng thân là nơi ghi các dối câu đối ca ngợi cảnh chùa, cảnh Phật.

Chùa Dày có mặt bằng chữ Đinh (丁) gồm Tiền đường và Tam bảo, trông về hướng Đông Nam.

Tiền đường chùa là một nếp nhà 3 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai. Từ hai tường hồi chùa là 2 bức tường lửng đua ra nối liền với đôi cột trụ biểu. Vào bên trong Tiền đường có hiên rộng 2m, lòng nhà rộng 4,1m, dài 6,85m. Trước 3 gian có cửa 2 cánh bản lề. Sát tường hậu, hai bên tả, hữu là tượng Đức Ông. Các bộ vì tòa Tiền đường được làm theo kiểu vì kèo giá chiêng trên quá giang gối tường, thiên về sự bền chắc. Phần khung mái được xẻ vuông, bào trơn đóng bén chắc khoẻ. Hai mái lợp ngói sông cầu. Bờ nóc, bờ dải đắp dạng bờ đinh, giữa bờ nóc đắp nổi chữ tên chùa “Sa đê tự”.

Thượng điện chùa Dày là một gian nhà được kéo dài từ gian giữa Tiền đường sâu vào tạo chuôi vồ – Phật điện, xây dựng kiên cố chắc chắn. Lòng nhà Thượng điện được xây các bệ từ thấp lên cao làm nơi tọa lạc cho các pho tượng Phật trong phật điện chùa.

Nhìn chung chùa Dày phần kiến trúc hầu như làm rất đơn giản không cầu kỳ, ít hoa văn, nên điêu khắc nghệ thuật trong chùa chủ yếu tập trung vào hệ thống tượng tròn. Tượng chùa Dày trước đây rất phong phú về lượng tượng. Nhưng trải qua sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến tranh binh lửa kéo dài nên hiện nay, chùa chỉ có một số lượng tượng khiêm tốn và trong số đó có nhiều tượng mới được tu bổ, bổ sung mới đây. Hệ thống tượng tròn gồm 10 pho, trong đó có 8 pho tượng cũ, còn lại 2 pho tượng mới. Các pho tượng cũ đều bị xuống cấp dân làng đã tập trung công sức để tu bổ sửa chữa.

Ở vị trí cao nhất là bộ tượng “Tam Thế thường trụ diệu pháp thân” hay còn có tên gọi khác là “Tam Thế tam thiên phật”. Các pho tượng này có kích thước và tư thế tương tự nhau cao 0,92m, rộng đùi 0,81m. Cả ba pho đều tạc theo thế ngồi tọa thiền trên tòa sen, tay đặt ngửa trong lòng đùi, kết định ấn. Tượng Tam Thế được tạc với đặc điểm đầu để lộ viên đỉnh. Các nếp áo được tạc liền vào thân. Bệ sen được làm tròn, cao, rộng hơn thế ngồi của lượng xung quanh chạm nổi 3 lớp cánh sen nhọn đầu.

Lớp thứ hai ở tòa Thượng điện là những pho tượng đẹp. Chính giữa là pho Adiđà có chiều cao là 75cm, rộng dài 45cm, ngang vai 35cm. Tượng trong tư thế ngồi kiết già, với hai tay đặt trong lòng kết định ấn. Đầu tượng có sọ nở. Các cụm tóc vẫn được làm nổi cao, giống như một chiếc mũ úp lên đầu. Mặt tượng đầy đặn, mắt nhìn xuống, tai to chảy dài, vai xuôi, ngực nở có chữ vạn. Áo tượng hai lớp xếp nếp và thả mềm mại. Tượng ngồi trên đài sen cao 15cm, đài sen gồm 3 lớp cánh ngửa. Các cánh sen mập, nổi mũi.

Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí là tượng được tạc ở tư thế đứng trên tòa sen có chiều cao 105cm. Tượng có khuôn mặt trái xoan, tai to chảy dài, cổ thấp, tóc lượng búi ngược lên cao, ngoài đội mũ tỳ lư, vành mũ cẩn hoa cách điệu lửa tam muội. Áo tượng hai lớp, lớp trong thắt múi trước bụng, lớp ngoài áo khoác chùng buông có các nếp áo gấp gọn theo thân hình. Đài sen của tượng cao 14cm ôm vòng theo thế tượng gồm 3 lớp cánh ngửa.

Lớp thứ ba là tượng Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tọa trên đài sen 3 lớp cánh ở thế lưỡng nghi với chiều cao 97cm và 10 cánh tay chia đều hai bên đối xứng xoè ra bốn phương như cánh hoa đang nở. Thân tượng đậm, ngồi trên đài sen cao 15cm gồm 3 lớp cánh ngửa. Nét mặt tượng phúc hậu, trang nghiêm.

Cuối cùng là tòa Cửu long được làm theo kiểu vòm cầu bằng gỗ chạm cao 127cm, rộng 90cm, bệ tạo hình bát giác cao 17cm. Chính giữa tòa Cửu long là tượng Thích Ca Sơ Sinh đứng trên tòa sen, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất theo tích nhà Phật. Vòm cầu bao quanh ngoài 9 con rồng trong mây, người nghệ sĩ dân gian còn thể hiện 16 pho tượng nhỏ đan sen như Tam Thế, Hộ Pháp, Di Lặc… tạo thành một phật điện bao quanh tượng Thích Ca Sơ Sinh.

Di vật

Chùa Dày qua thời gian tồn tại của mình đến nay còn lưu giữ được một số di vật sau:

– 10 pho tượng được bài trí ở Tam bảo và tòa Tiền đường.

– 1 quả chuông có chiều cao 88cm, đường kính miệng 43cm. Cù lao

– 1 chuông được làm kiểu hai con rồng dấu đuôi vào nhau gồng mình chịu sức nặng của quả chuông. Thân chuông có các gờ nổi chạy ngang dọc chia làm 8 khoang. Điểm cắt nhau của các đường gờ này được chia làm 4 núm đánh hình tròn nổi có diềm chấm tròn cánh hoa chạy quanh. Chuông đúc nổi 3 chữ Hán “Sa đê tự”.

– 2 đôi câu đối.

– 3 bia đá.

+ 1 bia có núm đỉnh, trán tạo mái đao cong, cao 43cm, rộng 26cm, dày 9cm. Nội dung bia ghi “Ứng Thiên phủ, Sơn Minh huyện, Kim Giang xã, Thượng đình thôn”.

+ 1 bia có niên đại năm Bảo Đại 14, cao 60cm, rộng 38cm. Nội dung ghi “Kim Giang Nghiêm Thắng tự ký bi”.

+ 1 bia hậu cao 40cm, rộng 18cm.

– 2 bát hương đồng.

– Một số đồ thờ khác như : Mâm bồng cây nến, đài nước…

Chùa Dày ra đời và tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo của dân làng Kim Giang. Là một ngôi chùa làng, đã bị thay đổi nhiều do ảnh hưởng của thời gian, chiến tranh tàn phá nhưng di tích vẫn hội tụ đầy đủ giá trị nhiều mặt của một số di tích kiến trúc phật giáo truyền thống.

 

Chùa Dày nhìn từ hướng Nam

Mặt bằng tổng thể chùa Dày

Tam bảo nhìn từ hướng Đông

Không gian nội thất Tiền đường

Không gian gian giữa Tiền đường

Vì nóc Tiền đường

Ban thờ Phật ở Thượng điện

Bia đá dựng ở sân sau Tam bảo

Đế bia hình rùa