Di tích chùa Giang Triều – Ứng Hòa

Giới thiệu chung

CHÙA GIANG TRIỀU (PHỔ AM TỰ)

Di tích có tên chữ là Phổ Am tự (nghĩa là: chùa Phổ Am) thuộc thôn Giang Triều, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.. Trong quá trình khảo cứu về giá trị ngôi chùa, căn cứ vào lời kể của người dân địa phương và văn hóa vùng miền nơi đây thì có thể đoán định di tích vốn là một am nhỏ, nhà tranh được dựng lên để thờ Phật. Đặc biệt vị trí địa lý của ngôi chùa tọa lạc gần đền Đức Thánh Cả và khu danh thắng Hương Sơn nên rất có thể chùa Phổ Am từ một am nhỏ, theo “dòng chảy linh” của đất Phật Hương Sơn đã được nhân dân hướng thiện, hằng sản hằng tâm kiến tạo lên ngôi chùa này. Ngoài ra, di tích có tên thường gọi là chùa Giang Triều theo tên làng.

Chùa Giang Triều thờ Phật và Chư vị Bồ tát, ngoài ra, trong chùa còn thờ Mẫu và thờ Tổ, ở dãy nhà bên trái của chùa còn có ban thờ Bồ đề Đạt Ma – là vị Tổ thứ 28 sau Phật Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc.

Hiện nay, không còn tài liệu ghi chép chính xác về thời điểm xây dựng chùa Giang Triều. Theo lời kể của người dân địa phương thì di tích ra đời cách ngày nay từ rất lâu. Căn cứ vào lời văn trên án thờ tại gian Tiền đường có đoạn viết bằng chữ Hán nghĩa là: Chùa Phổ Am ở thôn Giang Triều, xã Đại Bối, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam nước An Nam vốn là nơi danh lam thắng tích. Nhà sư trụ trì ở chùa này tên tự là Đạo Thịnh tu hành tinh tiến đã hưng công xây dựng một bàn đá và bệ đá ở trước án lễ…Trên án thờ không còn đọc được niên đại lập án. Tuy nhiên, căn cứ vào lời văn trên, tra cứu từ điển địa danh cho biết: địa danh “phủ Ứng Thiên” chính là phủ Ứng Hòa thời Lê, đến năm Gia Long thứ 14 (1815) mới đổi tên thành phủ Ứng Hòa. Như vậy, căn cứ vào nội dung bài văn trên án, căn cứ vào địa danh ghi trên đó cho phép đoán định, án được lập vào khoảng thời Lê (thế kỷ XV-XVIII); hoặc nếu muộn nhất thì cũng từ trước khi Gia Long đổi tên phủ Ứng Thiên thành phủ Ứng Hòa, tức là trước năm 1815.

Năm 1945-1954, thực dân Pháp tàn phá toàn bộ khu vực Giang Triều cũng như vùng lân cận, biến Giang Triều thành “vành đai trắng”, ngôi chùa cũng bị thiêu hủy theo. Năm 1956, với tấm lòng hướng đạo, nhân dân Giang Triều đã góp công của phục dựng bệ thờ để duy trì sự thờ cúng, bảo tồn hệ thống di vật. Sau đó, vào năm Quý Dậu, nhân dân với tấm lòng mộ Phật đã tu sửa di tích. Trên thượng lương giang Tiền đường có đề dòng chữ Hán (nghĩa là: thượng lương làm xong ngày 26 tháng 7 năm Quý Dậu niên hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức năm 1993). Đến năm 1982 và 1998, nhân dân quanh vùng lại đóng góp, trùng tu ngôi chùa. Trên Thượng lương gian nhà Mẫu còn ghi dòng chữ Hán (nghĩa là: thượng lương làm xong ngày 12 tháng 4 năm Mậu Dần niên hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức năm 1998).

Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa Chùa làm kiểu chữ Đinh, quay theo hướng Nam trong một khuôn viên khá rộng, đã xây tường bao xung quanh. Các hạng mục của chùa không nhiều. Mặt bằng tổng thể của chùa gồm các hạng mục chính là: Sân, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu vườn tháp.

Tiền đường gồm 3 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bờ nóc không trang trí đặc biệt. Bờ dải đắp kiểu bờ đinh. Hai đầu bờ nóc đắp đấu đinh. Hai bên tường hồi kéo dài ra phía trước khoảng 0.5m bằng một bức tường lửng và đỡ mái trước chính là hai cột trụ ở khoảng giữa hiên. Mặt bên trong của hai bức tường lửng ở hiên được đắp hai pho tượng Thiên Ất và Bính Đinh. Phía trước 3 gian Tiền đường là hệ thống cửa làm kiểu cửa bức bàn, chất liệu bằng gỗ, cửa ở giữa rộng hơn hai cửa bên. Bộ khung được làm bằng gỗ, gồm 4 bộ vì. Các bộ vì được làm thống nhất kiểu “thượng giá chiêng hạ bẩy hiên”, hai vì nách được đỡ bởi hai bức tường hồi hai bên thay cho thanh xà hạ. Ở hai vì giữa, hệ thống quá giang đỡ cột trốn, hai cột cái trở thành hai trụ trốn. Hai trụ này một đầu đứng trên quá giang qua đấu kê hoa sen, đầu kia đỡ kẻ bằng hình thức xẻ họng, đồng thời hai trụ được nối bởi một câu đầu. Đứng trên câu đầu là hai trụ trốn trên có đỡ con rường đội một đấu sen. Điểm hợp của hai kẻ là đấu hình thuyền đội thượng lương. Trên thân các thanh rường, thanh xà không trang trí hoa văn đặc biệt. Nối các bộ vì với nhau là hệ thống xà đai thượng được làm bằng gỗ, thân xà bào trơn đóng bén.

Qua gian Tiền đường là vào Thượng điện. Thượng điện chùa Phổ Am là ba dãy nhà dọc, nối với gian giữa Tiền đường tạo thành mặt bằng hình chữ Đinh. Bộ vì các gian Thượng điện liên kết thống nhất theo kiểu thức “vì kèo, quá giang gối tường”. Ba mặt của Thượng điện được bưng bằng tường. Phía trước của hai tường hồi, giáp với gian Tiền đường trổ hai cửa ra vào, vừa tạo sự thông thoáng cho di tích, vừa làm lối ra vào giữa các hạng mục trong di tích.

Nhà Mẫu của chùa Phổ Am nằm ở bên trái chùa Thượng điện và cùng quay mặt về hướng Nam. Nhà Mẫu được xây dựng tương tự như gian Thượng điện, kiến trúc kiểu chữ Đinh. Phần phía trước gồm ba gian nhà xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải để trơn không trang trí. Bộ khung được làm bằng gỗ, gồm 4 bộ vì. Các bộ vì làm thống nhất kiểu “vì kèo, quá giang gối tường”. Ở hai gian bên làm hai bệ thờ, hiện nay một bệ vẫn đang để trống, một bệ để các bát hương thờ vong. Thẳng gian giữa vào phía sau là gian thờ Mẫu tạo thành hình chữ Đinh. Phần khung nhà là bộ vì kèo làm kiểu “vì kèo, quá giang gối tường”; ở giữa là trụ trốn, trên đội thượng lương, ăn mộng vào điểm giữa của quá giang, nối giữa hai trụ trốn là một thanh xà có tác dụng đỡ hai bên khung khiến cho kèo không bị xô lệch. Các bộ vì tại gian nhà Mẫu đều được bào trơn đóng bén, không trang trí hoa văn đặc biệt.

Nhà Tổ chùa Phổ Am được kết cấu tương đối đơn giản, gồm bốn gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải để trơn, ở hai đầu bờ nóc đắp kiểu đấu đinh. Trong bốn gian nhà đó, ba gian phía bên phải (tính từ trong ra) làm nơi thờ Tổ, gian bên trái làm nơi ở của trụ trì chùa. Nhà Tổ được kết cấu bởi các bộ vì theo kiểu “vì kèo giá chiêng”. Trong hai bộ vì kèo ở giữa, phần quá giang không phải làm bằng gỗ mà được đổ bằng xi măng. Ở hai vì hồi không có quá giang mà toàn bộ kết cấu bộ vì hồi gối trực tiếp lên tường. Gian giữa của khu nhà xây một bệ thờ, bên trên thờ Bồ đề Đạt Ma và sư Tổ của chùa.

Chùa Phổ Am còn một hạng mục nữa là Vườn tháp nằm cùng với khuôn viên chùa. Hiện nay trong khu vườn tháp có hai chiếc tháp.

Làm nên giá trị của ngôi chùa Phổ Am chính là hệ thống tượng thờ tại di tích. Ở đây, ngoài hệ thống tượng Phật, còn có tượng Mẫu, tượng Tổ. Tượng ở chùa Phổ Am hầu hết đều được sơn thếp phủ hoàn kim. Sự bài trí tượng Phật chủ yếu tập trung ở tòa Thượng điện.

Thượng điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa, hầu hết các pho tượng ở đây đều được sơn thếp. Ở đây có nhiều lớp bàn thờ làm thành bậc từ cao xuống thấp với sáu lớp tượng đi kèm. Các lớp bàn thờ được sắp xếp theo nguyên tắc sau: lớp bàn thờ cao nhất ở sâu trên cùng giáp mái chùa, sau đó các lớp bàn thờ đặt tượng cứ thấp dần:

– Lớp thứ I: Tầng cao nhất của bàn thờ, sát vách tường là 3 pho tượng được làm bằng chất liệu gỗ, gọi là “Tam thế Phật”, tức là các vị Phật của ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn, mặt nguyệt. Ba pho tượng Tam thế ngồi thiền định trên tòa sen. Ba pho tượng Tam thế mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

– Lớp thứ II: Lớp thứ hai là tượng A Di Đà. Tượng Phật A Di Đà trong tư thế ngồi toạ thiền, hai tay đan chéo, ngửa lòng bàn tay cầm viên ngọc. Tượng A Di Đà mang phong cách niên đại thế kỷ XIX. Tượng A Di Đà được đặt ở tầng thứ hai để tỏ ý là mặc dù ngài ở cõi Cực lạc nhưng vẫn có duyên và gần gũi với cõi Sa bà này, gần gũi với chúng sinh, sẵn lòng dang tay cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh.

– Lớp thứ 3: Lớp thứ ba là pho tượng Thích Ca Niêm hoa được làm bằng chất liệu đồng. Kích thước pho tượng này có chiều cao 50cm (tính từ mặt đài sen trở lên), rộng đáy 25cm. Có thể nói pho tượng Thích Ca Niêm hoa tuy hơi nhỏ so với những pho tượng khác nhưng có giá trị nhất trong bộ sưu tập tượng ở chùa Phổ Am vì pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, phong cách nghệ thuật sớm nhất so với các pho tượng khác. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, có quý tướng tương tự như pho Tam thế, A Di Đà: tóc kết bụt ốc, mắt khép hờ, hai tại chảy dài, hai chân khoanh lại, để lộ bàn chân phải trên đùi chân trái. Do thời gian tồn tại nên tay phải tượng bị mất.

– Lớp thứ 4: Lớp thứ tư gồm ba pho tượng, ở giữa là tượng Quan Âm Chuẩn đề (còn gọi là Quan Thế âm Thiên thủ thiên nhãn) và hai bên là nhị vị Bồ tát. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

– Lớp thứ 5: có ba pho tượng gồm tượng Ngọc hoàng ở giữa, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng được tạc trong tư thế ngồi trên bệ nhị cấp có gắn ngai rồng, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lệnh bài, áo tượng với nhiều nếp rủ khá mềm mại. Ở hai bên, thấp hơn một chút là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu được tạc trên bệ nhị cấp, đầu đội mũ quan văn, hai chân đi hài. Ba pho tượng trong lớp thứ năm này cũng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

– Lớp thứ 6: Lớp dưới cùng là tòa Cửu Long. Tượng Cửu Long diễn tả Phật Thích Ca Mầu Ni lúc mới sinh.

Ở gian Tiền đường có bài trí hai ban thờ. Phía bên phải (tính từ trong ra) là ban Đức ông. Ban phía bên trái là ban Đức Thánh Tăng. Tượng Đức ông có khuôn mặt màu đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn. Tượng Thánh Tăng có khuôn mặt màu trắng, đầu đội mũ tì lư, hai tay trong thư thế thuyết pháp, áo tượng cuốn sang bên trái rồi thả rủ các nếp mềm mại, cân xứng. Hai pho tượng này đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Gian nhà Mẫu xây dựng một bệ thờ theo kiểu tam cấp. Lớp trên cùng là Tam toà Thánh Mẫu bao gồm: Mẫu Đệ nhất Thiên Tiên (Cửu Trùng Thanh Vân Công chúa (hay chính là Mẫu Thiên); Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn (Đông Cuông Công chúa – tương truyền là vị Thánh Mẫu cai quản Thượng ngàn rừng núi); Mẫu Đệ tam Thoải Cung (Xích Lân Long nữ).

Nhà Tổ được bài trí một ban thờ ở gian giữa. Ban thờ được xây dạng giật cấp. Lớp trên cùng bài trí tượng Bồ đề Đạt Ma. Lớp dưới bài trí một pho tượng Tổ của chùa.

Nhìn chung, tượng thờ ở chùa Phổ Am là những pho tượng có giá trị làm nên bộ sưu tập di vật giá trị cho di tích. Bên cạnh đó, chùa còn có hệ thống di vật phong phú:

– 01 hoành phi hình chữ nhật, đề chữ Hán phiên âm là “Phổ Am tự” (nghĩa là Chùa Phổ Am), mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX.

– 01 ống cắm hương làm kiểu lọ hoa, phần miệng loe rộng, phần thân thu gọn lại, dưới sát đế thắt lại, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

– 05 chiếc mâm bồng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

– 02 cặp chân nến bằng gỗ, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

– 01 chuông đồng cao 85cm, đường kính 60cm, trọng lượng khoảng 02 tạ. Chuông bốn mặt đều khắc chữ Hán, nét chữ mảnh nhỏ, do để lâu ngoài trời nên nét chữ bị mờ khó đọc. Đặc biệt ở dòng niên đại bị mất hàng chữ ghi tên triều đại, cụ thể như sau: 皇朝… 歲次戊午季冬日 (Hoàng triều… tuế thứ Mậu Ngọ niên Quý đông nhật nghĩa là: ngày, tháng 12 năm Mậu Ngọ… niên hiệu). Quả chuông này có niên đại năm Cảnh Thịnh thứ 6 triều Tây Sơn (1798).

– Trong số các pho tượng ở chùa có 01 pho tượng làm bằng đồng là tượng Di Đà Niêm hoa.

– Nhang án bằng đá có số đo dài 134cm, cao 122cm, ngang 81cm. Nhang án được chia thành các phần: phần trên cùng chạm nổi một hàng cánh sen với các chấm tròn kiểu tràng hạt, hàng tiếp theo chia thành 06 ô tròn đề chữ Hán phiên âm là “Nam mô A Di Đà Phật”, hai bên là hai rồng chầu, dưới là hai hàng chạm những đường kẻ dọc và hoa mãn khai. Phần thân nhang với ba khối chạm hoa văn: khối giữa chạm bài vị dạng lá đề, bên trong ghi dòng chữ Hán phiên âm là “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật vị chủ tác đại chứng minh”, hai bên chạm hoa sen mãn khai; xen giữa ba khối này là hai khối khắc bài minh chữ Hán phiên âm là “Khải lập án tiền Phổ Am tự ký”. Phần chân nhang, trên cùng là một hàng hoa sen với một lớp cánh ngửa, dưới là các đao mác, bốn chân tạo tác dạng cánh của chim thần, phần lòng án có khắc tên của | người hưng công lập nhang. Nhang án có niên đại thế kỷ XV-XVIII.

– 01 Bệ bát hương: Có ý kiến cho rằng đây là Mâm bồng. Bệ bát hương có dáng hình trụ tròn rỗng, mặt trên và mặt dưới có gờ nổi. Mặt trên bưng kín, mặt dưới để mở. Mép gờ đã bị sứt. Trên thân trụ tròn khắc chữ Hán ghi tên những người công đức vào chùa; ngoài ra còn dòng niên đại cho phép xác định bệ bát hương được làm năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706).

Chùa Phổ Am là một ngôi chùa của cư dân làng Giang Triều. Các tư liệu chuông đồng, nhang án đá là những tư liệu lịch sử quý giá giúp tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa xưa. Tìm hiểu về niên đại khởi dựng ngôi chùa cho thấy giá trị lịch sử lâu đời của di tích, đúng như lời khắc trên chuông và nhang án: nơi đây chính là vùng đất danh hương một thời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và tự nhiên, chùa Phổ Am không còn giữ được dáng vẻ ban đầu, kiến trúc hiện nay của ngôi chùa là sản phẩm vật chất của những lần trùng tu sửa chữa của nhân dân quanh vùng. Tuy nhiên, giá trị hiện còn của di tích vẫn là một tổng thể khối kiến trúc trên một địa thế cũ, có giá trị nhiều mặt khi đánh giá về ngôi chùa. Chùa Phổ Am hiện đang bảo lưu được những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá có giá trị như nhang án đá được tạo tác khá tỉ mỉ, chạm khắc bài minh văn bằng chữ Hán cho thấy việc hướng thiện và mộ đạo của đông đảo nhân dân Giang Triều và vùng lân cận.

Hình ảnh chùa Giang Triều

Mặt bằng tổng thể chùa Giang Triều

Tam quan chùa

Sân chùa

Tượng Quan Âm giữa hồ nước bên trái Tam bảo

Tam bảo chùa Giang Triều

Không gian nội thất Tiền đường

Không gian nội thất Thượng điện

Bệ đá hoa sen thời Lê Trung hưng