Di tích đền thôn Thần – đền Ba Sa – Ứng Hòa

Giới thiệu chung

ĐỀN THÔN THẦN (ĐỀN BA SA)

Đền có tên chữ là đền Ba Sa, hoặc gọi theo tên thôn Thần xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội. Đền Thần tọa trên lưng hình con cá chép, đầu cá hướng về ngã ba sông (cống Thần). Đền chính hướng Đông phía trước là sông Mang Giang, dòng sông nối giữa sông Đáy (Hát Giang) với sông Nhuệ. Nơi hội tụ ngã ba Cống Thần, điểm linh tích, có ngôi đền tục gọi là Ba Sa thờ Quảng Bác đại vương.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” viết khi Vua Lê Thần Tông đi đánh giặc, sai quan cầu đảo, Thần hiển linh giúp sức, khi dẹp xong giặc kéo quân về bèn dựng đền thờ. Như vậy, trước thời vua Lê Thần Tông ở đây đã có ngôi đền linh tích, sau được xây dựng to đẹp hơn vào đời vua Lê Hiển Tổng. Trải qua hàng trăm năm, đền cổ thời Lê đã xuống cấp và bị sự phá hoại của các cuộc chiến tranh nên phải hạ dải. Dấu tích kiến trúc cổ còn lại phần hậu cung, và một số di vật quý như voi đá, ngựa đá, cây hương… Những năm gần đây, đền Ba Sa được trùng tu trên nguyên nền cũ theo lối kiến trúc truyền thống. Hiện trạng khu di tích đền Ba Sa có những hạng mục kiến trúc như sau: Ngôi đền Thượng, Nhà Tả Vu, Đền Mẫu.

Ngôi đền Thượng là công trình kiến trúc chính, phía trước có sân đền, vườn cây cổ thụ, 2 voi đá, ngựa đá chầu trước cửa đền. Kiến trúc đền kiểu chữ đinh có đại bái và hậu đền, tường xây gạch xung quanh, đầu hồi bít đốc, hai mái trẩy lợp ngói ri. Trên đầu hồi có đấu vuông. Giữa bờ nóc là hai rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt) nghệ thuật phục chế theo lối rồng thời Nguyễn nằm dải uốn cong nhiều lớp hình sin, đuôi soắn thân rồng thon nhiều lớp vẩy. Miệng rồng ngậm viên ngọc quý, bờm bay theo phía sau, râu mảnh, mắt nhỏ tròn và sáng. Mặt nguyệt với những tia sáng có hổ phù ôm bờ nóc.

Trước cửa đền phía tiền hồi là hai cột trụ đèn lồng. Đỉnh trụ có nghê chầu ngồi trên đấu vuông thót đáy. Hộp đèn lồng hình chữ nhật, trong trang trí lư hương cách điệu. Dưới đế cột làm kiểu thắt cổ bồng. Thân cột ghi những đôi câu đối.

Dạ tàu là đường hoa văn cánh sen cách điệu và những mảng trang trí theo điển tích tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng).

Chính giữa là bức đại tự hình chữ nhật nền màu vàng hoa văn chữ triện ghi 5 chữ: “Sa giang cổ linh từ”, trước sân đền có đôi voi đá, ngựa đá dáng vóc kiểu tượng tròn được đục đẽo công phu. Voi đá tai dải quạt đuôi lá đề. Ngựa đá có yên cương tư thế ra trận. Trên thân voi ngựa khắc chữ ghi năm tạo dựng “Tuế thứ Ất Hợi niên, trọng hạ, cốc nhật tác thạch mã” tức là vào năm 1875 làm đôi ngựa và voi đá. Đi trên 5 bậc vào cửa Đại bái đều là những bộ cửa bức bàn, chắn song con tiện. Đại bái có 5 gian kiến trúc gỗ, làm theo kiểu kèo cầu quá giang. Theo văn tự trên xà nóc của đền ghi: “Bính tý niên đông thập nguyệt thập ngũ nhật thụ trụ thượng lương”. Năm 1996 tu sửa đền lần cuối.

Ở gian chính giữa có cây hương đá ghi dòng chữ “Sa giang tối linh từ, Giáp tuất niên tạo”, tức là vào năm 1874 làm cây hương ở đền Sa Giang (Ba Sa). Cây hương đá tạo hình tháp trụ trên là bát hương chữ nhật trang trí rồng chầu mặt nguyệt hai tai cây hương tạo hình rồng uốn, đài hương vuông đáy thót, trang trí dải văn hoa sóng nước cách điệu và băng hoa văn cánh sen kép. Thân cây hương có số đo (90cm x 35cm x 30cm), 4 mặt chạm nổi cách ô hoa văn “Phượng cuốn thư”, “rồng cuốn thủy” miêu tả cảnh mây trời sắc nước, giữa bầu trời có rồng đang phun nước xuống đầm sen xung quanh là dải hoa văn của 4 cánh… Đế cây hương 3 cấp làm theo hình bát quái. Nhìn tổng thể, cây hương là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá khá đẹp tạo vào thời Nguyễn. Gian bên phải có bàn thờ Thổ địa bài trí nhiều đồ khí tự cổ như: Bát hương đá hình quả bầu tròn, y môn biển gỗ ghi 4 chữ “Lịch triều phong tặng”.

Quả chuông đồng treo gian bên trái được đúc vào thời Bảo Đại tam niên (1928) trên thân chuông ghi 4 chữ “Sa Giang linh từ” và chia làm 4 khoang, trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý. Cù lao chuông làm hình rồng nghệ thuật đúc kiểu tượng tròn tạo thành quai chuông vừa khoẻ chắc vừa đẹp.

Hậu cung đền làm kiểu chuôi vồ đấu chữ đinh vào gian giữa đại bái kéo dài sâu phía sau. Phía trước treo một tấm đại tự biển gỗ nền đỏ. Xung quanh viền lưỡng long chầu nguyệt, hoa dây, phượng rồng hóa lá ghi ba chữ “Tối linh từ”.

Chính cung là đền thờ Đức Thượng đẳng Quảng Bác đại vương. Ngai thờ tạc hình rồng ngai rồng sơn son thếp vàng. Thân kiểu chấn song con tiện. Dưới bệ trang trí nhiều ô hoa văn tứ linh. Tám Thần vị hình nhân đặt trang trọng trong lòng ngai. Thần vị ghi duệ hiệu và mỹ tự ca ngợi Đức đại vương “Sa giang Thánh đức, Quảng Bác uyên dung đại vương, Linh Tế thuận phúc long huệ hiển hóa hoằng đạo…”

Nhà tả vu có 3 gian hình chữ nhật, kiến trúc vì kèo cầu quá giang hai hàng cột, kỹ thuật bào trơn đóng bén.

Đền Mẫu nằm phía trái đền Đức Thượng đẳng sát cạnh bờ sông Mang giang. Ngôi đền làm kiểu chữ đinh cổ 3 gian bái đường, 3 gian hậu điện. Nhà xây tường hồi bít đốc, kiến trúc vì kèo cầu quá giang theo lối truyền thống. Trong hậu điện có 3 ban thờ Thánh Mẫu: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam. Tượng Mẫu đặt trong ngai rồng sơn son thếp vàng, ở gian chính có khám thờ, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn muộn..

Ngôi đền có từ lâu đời, đến thời Nguyễn trùng tu nhiều lần. Do cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, thôn Thần nằm trong địa bàn du kích Chợ Cháy nên đã bị tàn phá còn phần kiến trúc hậu cung. Năm 1996. nhân dân địa phương tôn tạo lại như xưa. Ngôi đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Đến triều Nguyễn nhiều lần tu sửa. Thời kỳ chống Pháp bị sạt một góc nhà Đại bái. Nhân dân đã tu sửa lại làm những công việc đảo ngói, thay hoành rủi, xây tường bảo vệ. Đền Thần (Ba Sa) còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị như voi đá ngựa đá, cây hương đá, chuông đồng… có đầy đủ những giá trị về lịch sử văn hóa nghệ thuật và kiến trúc cổ.

Hình ảnh di tích

Mặt bằng tổng thể đền thôn Thần

Sân đền

Đền chính nhìn từ hướng Đông Nam

Không gian nội thất đền chính

Tượng Đức Thượng đẳng Quảng Bác Đại vương

Mặt trước đền Mẫu

Không gian nội thất đền Mẫu

Tượng ngựa, voi chầu bên trái

Tượng ngựa, voi chầu bên phải

Cây hương đá ở sân đền