Di tích đình làng Giang Triều – Ứng Hòa

Giới thiệu chung

Đình Giang Triều toạ lạc ở giữa làng trên một gò đất cao hình cánh cung thuộc thôn Giang Triều, xã Đại Cường, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.

Trong đình còn bảo tồn được cuốn thần tích hai vị Phúc thần ở khu Giang Triều, xã Đại Bối, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam. Ngọc phả ghi sự tích những vị có công lao đánh giặc cứu nước là Thượng đẳng thần bộ thứ nhất càn chi.

Đình Giang Triều là công trình cổ có kiến trúc nghệ thuật đẹp nổi tiếng cả vùng phía Tây Nam huyện Ứng Hoà, quy mô to lớn đồ sộ. Trên câu đầu có dòng chữ Hán ghi năm hoàn thành việc xây dựng đình: “Hoàng Triều Cảnh hưng tứ thập nhị niên…” (1781).

Trước cửa đình là cây đa cổ thụ. Cổng đình xây cột trụ cao 4m20 có đỉnh đài sen 5 cánh hộp đèn lồng, thân và đế. Giữa mỗi phần thắt kiểu cổ bồng, những hoa văn bông sen, hoa giành mộc mạc. Qua sân lát gạch rộng khoảng 300 m2 là đình. Ngôi đình có đại bái và trung đường, hậu cung làm sử dụng là trường kiểu chữ đinh (丁).

Đại bái kiến trúc mặt bằng chữ nhất (一) chiều dài khoảng 24m chiều rộng khoảng 13m, chiều cao từ nóc xuống mặt bằng nền là 7m30. Mặt bằng chia ra làm 3 gian và 2 dĩ (gian chính, hai gian bên đối xứng và hai gian dĩ đối xứng). Kiến trúc có 6 bộ vì, 4 bộ vì chính và 2 bộ vì kẻ góc. Mỗi bộ vì có 4 hàng cột, tính tổng số có tới 24 chiếc cột: Cột cái chiều cao 5,5m, chu vi thân cột là 1,9m; Cột quân chiều cao 4,2m, Chu vi thân cột là 1,5m. Dưới kê tảng đá gọt đẽo hình vuông (80cm x 80cm) trên là hình tròn để đặt chân cột. Hệ thống cột to lớn đồ sộ, trên đầu có đấu vuông thót đáy, có xẻ dầu khớp kẻ có lỗ đục lắp xà và sàn gỗ. Đây là đặc điểm cơ bản của kiến trúc đình làng thời Lê.

Hai bộ vì chính giữa theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Nghĩa là bộ vì thượng, vì tiền, vì hậu đều kiến trúc kiểu chồng rường, tiếp dưới là kẻ bẩy. Mỗi bộ rường là 5 khúc rường kích thước dài ngắn khác nhau chồng khít lên theo chiều dốc của mái. Hệ thống vì được diễn giải như sau: Trên cùng là thượng lương kê dấu lá dép xuống con rường. Những con rường chồng lên nhau qua các đấu xuống câu đầu. Dưới đầu cột cái là bộ vì tiền, vì hậu làm kiểu chồng rường, có 5 khúc rường chồng khít lên nhau qua lỗ đục chốt then tạo nên một tấm mê, trên đó đục chạm hoa văn diễn theo các tích gọi là bức cốn.

– Bức cốn thứ nhất hoạ tiết hoa văn đục chạm theo tích “Mẫu tử long” – đầu rồng có mẹ và con đang vui đùa. Phong cảnh nghệ thuật thế kỷ 18. Rồng tai rơi, chân 5 móng, mũi dẹt, mồm rộng…

– Bức cốn thứ hai: Miêu tả ngày hội của rồng. Đàn rồng đang ca múa vui chơi, có rồng đánh trống, có rồng thổi kèn. Tay rồng 5 ngón, miệng rộng như cười hớn hở là những nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc dân gian thế kỷ 18.

– Bức cốn thứ ba: Đục chạm cảnh rồng lấy nước “Long hý thuỷ”. Rồng từ trên tầng mây phun dòng nước bạc xuống trần gian, dưới đầm sen cá tôm tung tăng bơi lội. Toàn cảnh có Tứ linh. Mỗi loài có dáng mạo khác nhau, đều được mô tả những nét đẹp riêng, hoà đồng trong sự sống hạnh phúc, thanh bình.

– Bức cốn thứ tư: Đục được hai rộng đối nhau, như muốn trổ tài thi sức, thường gọi là tích “Lưỡng long tranh hùng. Phong cách điều khắc tương tự như ở các bức cấu trên (Thế kỷ 18).

Hai bộ vì gian bên đối xứng nhau, kiến trúc theo kiểu chồng rường kẻ trục. Nghĩa là lớp vì thượng là những con rường chống kê trên câu đầu. Lớp vì tiền, vì hậu là cây kẻ dốc thẳng từ câu đầu đỉnh cột cái xuống cột quân (hiên và hậu) đến tận đầu tầu mái. Phía đầu gọi là đầu bẩy trục. Trên thân kẻ trục bào gọt nhẵn soi đường chỉ kép, đục chạm bong hoa lá. Đầu bẩy trục phía ngoài hiên và hậu đều đục chạm hoa văn rồng hóa lá, tác phẩm nghệ thuật mềm mại, tinh tế. Những làn mác mây cách điệu như lá, biểu hiện bờm của đầu rồng. Đầu bẩy trục nâng dạ tầu mái, mặt cắt nhấn chìm chữ Thọ thể hiện dưới dạng đồ hoạ hình học. Hai bộ vì này có 4 chiếc kẻ trục, trong đó còn một chiếc kẻ vì hậu nguyên bản thời khởi đầu xây dựng, ba chiếc còn lại là những lần tu sửa.

Hai bộ vì kẻ góc, cấu trúc đặc biệt theo kiểu rường kẻ góc. Những góc là kẻ trên trụ trốn cột đặt trên xà nách, với hệ thống chồng rường được đục chạm thành những mảng cốn trang trí hoa văn rồng, phượng, hoa lá… Những bức cốn ở vì kẻ góc bên tả đục chạm “Long, ly, quy, phượng”, “Long hý thuỷ”…  Vì kẻ sối bên hữu có bức phù điêu “Mẫu tử long”. Mặt rồng mẹ là chủ đạo của bức cốn, xung quanh là những rồng con. Còn nữa một phù điêu đục chạm hình mình người mặt thú, bên cạnh cây trúc hoa rồng, và bàn tay búp măng của thiếu phụ như đang nâng niu biểu tượng trên có những tia lửa hình mác bùng cháy lên. Trong tác phẩm này còn có hình tượng cua cắp đầu rùa, gốc trúc hình đầu cá…

Tiếp sau là ngôi nhà chữ nhật đấu chữ đinh kéo dài về phía sau dài 9m, rộng 7,60 m, chia 3 gian, 1 dĩ được phân làm 1 gian trung cung, 2 gian 1 dĩ là hậu cung. Giữa trung cung và hậu cung được ngăn bằng bức tường ngăn mở 3 cửa: Cửa chính giữa chiều ngang 1,48 m có hệ thống bộ cửa bức bàn làm kiểu bức bàn chấn song con tiện. Hai bên cửa phụ ra vào gọi là tả môn, hữu môn, bề ngang cửa 67cm, bộ cánh của ván. Ở gian trung cung có 1 bộ vì kẻ sối hai hàng chân cột trên đầu cột có đấu vuông chu vi cột 1,53m. Bộ vì này gồm vì thượng đặt trên xà ngang làm kiểu vì cốn. Đó là mê gỗ hình tam giác đục chạm hoa văn hổ phù ngậm chữ Thọ, hai bên chân to khoẻ. Dưới là chim phượng đang bay, và tác phẩm Lưỡng long chầu nguyệt.

Hai gian 1 dĩ trong hậu cung có 2 bộ vì 2 hàng chân cột gỗ và 1 bộ vì giả áp tường đốc hồi. Những vì này làm kiểu kẻ thẳng làm bằng thanh gỗ hình chữ nhật dầy 10cm, chỉ bào trơn đóng bén. Đặc biệt gian giữa hậu cung đặt hương án có ngai thờ hai vị phúc thần ở trang Giang Triều.

Di vật

Tại đình Giang Triều còn bảo tồn được những hiện vật như sau:

– Một cuốn thần phả ghi sự tích nhị vị thành hoàng làng Giang Triều, cuốn sách viết bằng chữ Hán được soạn sao vào năm Khải Định 6 (1921) dày 23 trang, khổ (25cm x 13cm).

– 9 đạo sắc của các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam phong mỹ tự cho nhị vị thành hoàng, viết bằng chữ Hán Nôm giấy gió kích cỡ (140cm x 55cm). Đạo thứ nhất và đạo thứ hai được phong vào triều Gia Long thứ 6, đạo thứ ba được phong vào triều Tự Đức thứ 6, đạo thứ tư được phong vào triều Tự Đức thứ 13, đạo thứ 5 được phong vào triều Thành Thái nguyên niên, đạo thứ 6 và thứ 7 được phong vào triều Khải Định thứ 6, đạo thứ 8 vào triều Duy Tân thứ 3, đạo thứ 9 được phong vào triều Đồng Khánh thứ 2. Trong hòm sắc còn một số cuốn sách chữ Hán viết về một số lễ nghi tế lễ, hội.

– 1 cây quán tẩy chất liệu gỗ đục chạm hình một thân cây trúc biểu hiện khí tiết người quân tử thanh cao. Trên cây có bệ đặt khay nước trong sạch để chủ tế trước khi vào tế lế rửa tẩy sạch bụi trần. Quán tẩy chiều cao 140cm, chỗ rộng nhất của đế 216cm. Trên đỉnh là chim phượng lan xuống thân cây là rồng ở tư thế phun nước xuống thau nước để tẩy uế. Nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh vi trở thành tác phẩm nghệ thuật đẹp trong đồ tế ở đình.

– 1 giá văn hình chữ nhật (40cm x 42cm x độ dầy 2cm).

– 1 quả chuông nhỏ đúc năm Tự Đức ngũ niên (Chiều cao của thân chuông là 45cm, đường kính miệng 34cm. Trên thân chia làm 4 khuông và 4 núm, viền 17 hạt tròn. Cù lao chuông làm hình rồng chiều cao 23cm, chỗ rộng nhất là 25cm.

– Bia hậu tạc năm Thành Thái nguyên niên ghi những người có công đức tu sửa đình. Tấm bia nhỏ chiều cao 47cm, chiều rộng 33cm, độ dầy 9cm, xung quanh viền chạm chìm hoa lá.

– 2 cỗ ngai. Ngai hình vòng cung có đế, thân và tay, chiều cao 105cm, chiều vòng cung 127cm. Tay ngại chạm đầu rồng. Trên các con tiện, lưng ngai, bệ ngai đều chạm rồng, hoa cúc và hoa văn đồng tiền.

– 3 bình hương Lê.

– 2 mâm bồng đồng cao 41m, đường kính 56cm.

– 1 cây đèn đồng tạo dáng rồng cao 33,5cm.

– 2 ống hương gỗ sơn thếp vàng, chiều cao 34cm.

– 6 cây đèn gỗ sơn thếp vàng, chiều cao 61cm.

– 2 khay đèn có 3 tầng hoa văn (rồng, hoa lá, hổ phù).

– 2 nậm rượu men trắng hoa lam.

– 2 phỗng chiêm thành bằng gỗ, ở tư thế quỳ chầu. Đầu tóc búi tó, thân mặc khố, chân quỳ, hai tay khuỳnh bái. Tượng gỗ chiều cao 30cm, chu vi vòng bụng 29cm.

Ngoài ra còn nhiều hiện vật nhỏ như đài, khay, mậm, hòm sắt, gia văn…

Ngôi đình do nhân dân làng Giang Triều xây dựng vào triều Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Gắn liền với sự truyền lại về vị Thái bảo Đoàn Trọng Côn làm công đức với dân làng để làm nên ngôi đình này. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Hiện diện vật chất chứa ẩn nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật.

Cho đến nay, ngôi đình Giang Triệu đã 246 năm, trải qua nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt của khí hậu bốn mùa nóng ẩm, lại qua nhiều cuộc chiến tranh nhất là thời kỳ chống Pháp, quê hương là trung tâm của chiến khu du kích chợ Cháy nên cũng đã có những hạng mục xuống cấp. Tuy nhiên những tác phẩm nghệ thuật thế kỷ XVIII vẫn còn nguyên vẹn đó những giá trị dáng quý hiếm.

 

Mặt bằng tổng thể đình Giang Triều

Nghi môn

Mặt trước Đại bái

Hiên trước Đại bái

Không gian nội thất Đại bái

Vì nóc Đại bái

Vì nách Đại bái

Bẩy hiên Đại bái

Đầu dư gian giữa Đại bái

Dạ câu đầu gian giữa Đại bái khắc niên đại Cảnh Hưng thứ 42 (1781)