Di tích Đình Thống Nhất – Ứng Hòa

Giới thiệu chung

ĐÌNH THỐNG NHẤT

Đình Thống Nhất thuộc thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.

Xưa đình Thống Nhất là ngôi đình cổ của làng Xuyết Lưu. Làng Thống Nhất vào đầu thế kỷ XIX, là hai thôn Xuyết Lưu, Tiêu Thiều của xã Đông Lỗ, tổng Đông Lỗ, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Năm Gia Long 13 (1814) triều Nguyễn đổi phủ Ứng Thiên thành phủ Ứng Hoà. Đến đời vua Nguyễn Minh Mạng thì huyện Sơn Minh đổi là huyện Sơn Lãng. Năm Minh Mạng 12 (1831) thành lập tỉnh Hà Nội, phủ Ứng Thiên (bao gồm các huyện Sơn Lãng, Hoài An, Thanh Oai, …) thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1888, triều Nguyễn cắt phần thành phố của tỉnh Hà Nội nhượng cho Pháp làm nhượng địa. Năm 1890 cắt phần đất phía Nam Hà Nội lập tỉnh Hà Nam. Năm 1898 tỉnh lỵ Hà Nội được chuyển vào Cầu Đơ. Tháng 5 năm 1902 đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904 tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông. Vùng đất Thống Nhất vẫn thuộc tổng Đông Lỗ, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng Tám, đơn vị hành chính cấp tổng, phủ bị bãi bỏ. Năm 1946, các thôn xã của tổng Đông Lỗ cũ được chia thành 3 xã: Ngũ Lão, Hùng Vương và Đông Lỗ. Xã Đông Lỗ gồm các làng Nhân Trai, Ngọc Trục, Mạnh Tân, Xuyết Lưu và Tiêu Thiều. Năm 1948, xã Đông Lỗ thêm hai thôn Viên Đình, Đào Xá. Đến năm 1960, hai làng Xuyết Lưu, Tiêu Thiếu hợp lại thành thôn Thống Nhất như hiện nay.

Đình Thống Nhất thờ 3 vị Thành hoàng đã có công với dân với nước:

– Vua Lý Thánh Tông có tư tưởng thân dân, đức độ, có tài trị nước an dân;

– Trung Thành đại vương là tướng quân đắc lực giúp vua Duệ Vương thời dựng nước và giữ nước;

– Cung Báng đại vương đã phò giúp Bà Trưng đánh đuổi ngoại xâm.

Đình Thống Nhất nằm ở giữa làng trên một thế đất cao, nhìn theo hướng Tây Nam, là một công trình kiến trúc có quy mô vừa phải, theo kiểu chữ quốc bao gồm Nghi môn, toà Đại bái, Tả hữu mạc, Hậu cung.

Cổng nghi môn trụ biểu với ba lối đi, lối đi chính là hai trụ biểu lớn, trên đỉnh trụ có nghê chầu, bên dưới là 6 lồng đèn 4 mặt có đắp nổi các gờ chỉ trang trí, bên trong ô lồng đèn trang trí tứ quí. Thân trụ có ghi các đôi câu đối bằng chữ Hán, để ca ngợi cảnh quan ngôi đình và công đức của vị Thần thờ chính ở đây. Chân cột trụ làm kiểu thắt cổ bồng chân choãi. Hai phía cửa lối đi chính, là hai lối đi phụ được làm theo kiểu cổng pháo nhỏ, giả hai tầng 8 mái. Nối liền giữa hai trụ biểu lớn, với cổng pháo là hai bức tường lửng. Quanh di tích có tường bao nhằm bảo vệ quần thể ngôi đình.

Từ cổng vào qua một sân lát gạch rộng, sẽ tới toà Đại bái của đình. Bề ngoài Đại bái đình được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, với hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cạnh đó có hai con kìm.

Đại bái đình được chia làm 5 gian, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, hạng mục công trình này còn giữ gìn được khá nguyên vẹn. Tương ứng với 5 gian Đại bái, là 6 bộ vì được cấu tạo bởi 4 hàng chân cột gỗ kê trên đá tảng mầu xanh hai lớp. Các bộ vì ở đây đều thống nhất theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường cụt, bẩy hiền. Đứng trên lưng câu đầu là hai trụ trốn qua hai đấu kê mỏng hình vuông thót đáy, đầu trụ đỡ hai rường đặt chồng lên nhau, rường trên cùng đội thượng lương qua đấu hình thuyền. Ăn mộng ở thân trụ trốn phía trên câu đầu là hai rường nách nhỏ, một đầu rường đỡ các hoành thượng của mái. Phần hạ có các xà nách ăn mộng từ thân cột cái nối ra đầu cột quân, phía trên xà nách đỡ các con rường được đục chạm hoa văn, đầu kia các con rường đỡ phần hoành trung, riêng con rường thứ ba tỳ lực trên một đầu một cột trốn nhỏ, phần không gian giữa cột cái, cột trốn, để trống (4 bộ vì gian bên), hoặc lát ván bưng thể hiện một mảng chạm nổi (hai bộ vì gian giữa). Bẩy hiên và bẩy hậu ăn mộng ở đầu cột quân vươn ra ngoài đỡ hoành hạ và tàu mái. Các bộ vì đều có câu đầu ăn mộng vào đầu cột cái, ngoài ra ở hai đầu câu đầu được tạo đấu giả làm liền. Trang trí trên các hạng mục gỗ toà Đại bái tập trung ở các bẩy, xà, rường, đục chạm chủ yếu văn mây, lá lật uyển chuyển, văn chữ triện, riêng gian giữa toà Đại bái được bố trí rộng hơn, trang trí trên cốn cũng tiêu biểu hơn, với hình ảnh của long mã, cuốn thư và bút, phía dưới câu đầu giáp hai đầu cột cái, gắn đầu dư đục chạm đầu rồng lớn, bẩy hiên gian giữa được đục chạm rồng rất công phu tỷ mỷ. Gian giữa toà Đại bái có hương án, các gian bên được kê bàn ghế, ngày thường làm nơi tiếp khách, hội họp và phục vụ sinh hoạt văn hoá khác, ngày lễ hội là nơi để dân làng chuẩn bị lễ vật, sửa sang trang phục trước khi vào lễ thần. Gian giữa Đại bái có cấu tạo cửa theo kiểu thượng song hạ bản, các gian bên đều được xây tường và có trổ các ô cửa hoa tạo sự thông thoáng.

Từ Đại bái qua một sân lọng có các cây cảnh, là tới Hậu cung, hai bên sân lọng là Tả hữu mạc. Tả hữu mạc được bố cục nối liền hai gian bên Đại bái với hai hồi toà Hậu cung thành hình chữ quốc. Hậu cung là một ngôi nhà ngang 3 gian, nằm song song với Đại bái. Toà nhà làm theo kiểu tường xây hồi bít đốc. Bên trong Hậu cung được xây cuốn vòm. Bên ngoài làm hai mái lợp ngói mũi. Ở hiên Hậu cung được bài trí sập thờ Trung cung. Trong nhà Hậu cung xây 3 bệ thờ tương ứng với 3 gian, trên đó đặt long ngai bài vị các vị thần, chính giữa là nơi thờ vua Lý Thánh Tông, bên hữu thờ thần Cung Báng đại vương, bên tả thờ thần Trung Thành Phổ Tế đại vương.

Di vật

Đình Thống Nhất vốn được dân làng xây dựng từ xa xưa để thờ các vị Thành hoàng làng. Năm 2002 đình được trùng tu tôn tạo như hiện nay, đình mang phong cách kiến trúc của một di tích kiến trúc dân gian truyền thống thời Nguyễn. Trong đình vẫn giữ được các di vật quý, thể hiện ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

– 03 cỗ long ngai bài vị sơn son thếp vàng, nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

– 01 hương án sơn son thếp vàng, trang trí chạm lộng hoa lá cách điệu, tứ linh, dài 1m60, rộng 0,88m, cao 1m38, mang phong cách Nguyễn.

– 03 chiếc hòm sắc.

– 07 đài rượu gỗ (1 đài rượu đại).

– 01 quả chuông đồng thời Nguyễn.

– 3 đài rượu đồng.

– 02 cây đèn đồng.

– 02 cây nến đồng.

– 04 bia đá thời Nguyễn.

– 07 Sắc phong cho vua Lý Thánh Tông.

– 01 sắc phong cho Dực Bảo Trung Hưng linh phù công chúa.

– 02 sắc phong cho đương cảnh thành hoàng Cung Báng anh phù ứng linh tôn thần.

– 03 cuốn “Lý Triều đệ tam Hoàng đế sự tích”, sao các năm Tự Đức 29 (1876), Thành Thái 13 (1901), Thành Thái 16 (1904).

– 01 cuốn Trưng Vương công thần Cung Báng đại vương phổ lục (soạn năm Hồng Phúc 1 (1572), sao năm Vĩnh Hựu 1735-1740).

– 01 chiếc mũ thờ, 01 đôi hia của thần Cung Báng bằng vải.

Lễ hội

Đình Thống Nhất hàng năm tổ chức lễ hội trong 3 ngày, mồng 8,9,10 tháng 8 âm lịch. Trước khi diễn ra lễ hội mấy ngày, trong làng ai ai cũng phải tham gia quét dọn đường làng ngõ xóm, sân đình, cắm cờ, hoa… Riêng cụ từ lo việc vệ sinh trong nội tự đình. Ngoài ra, làng còn cử người làm mộc dục long ngai bài vị của thánh, người thực hiện là các cụ nam giới có tuổi từ 60 trở lên, mặc áo dài, khăn xếp. Ngày mồng 5, 6 dân làng dừa làm lễ yết, là vật gồm xôi, chuỗi 4 nổi, 2 chục cau tươi (nếu cau khô phải có 50 khẩu), chai rượu, hương hoa, oản quả. Ngày mồng 8, ngày chính hội, lễ vật gồm một con lợn 60kg (lợn được luộc, lấy phần số cùng xới dạng cùng), 2 yên gạo nếp, 2 yên gạo tẻ do người đăng cai lễ hội hàng năm có trách nhiệm lo. Lễ hội truyền thống đình Thống Nhất diễn ra gồm các phần: Tề lễ dâng hương, nước, và vui chơi hội. Phần tể là một nghi thức để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng, cũng nhằm nhắc nhở con cháu uống nước nhớ nguồn. Đội tế của làng gồm 17 người, có một chủ tế là ông Chánh Tổng, hai bồi tế, hai xướng tế, hộ lễ 12 người. Chủ tế mặc áo có bối tử, mũ cánh chuồn, đi hia. Bồi tế, xưởng tế, hộ lễ mặc áo tế màu tím hoa, trong mặc áo trắng dài. Ban trống gồm 8 người, ban kèn nhị gồm 8 người ăn mặc quần áo trắng, khăn xếp. Đầu tiên là Đông xướng, Tây xướng, rồi chủ tể đứng ra hô làm hiệu điều khiển lễ, phần quan trọng là đọc văn tế, kết thúc là dâng hương hoa và rượu. Buổi tối mồng 8 có hát ca trù trong đình hoặc hát chèo ngoài sân đình. Ngày mồng 9, lễ rước sắc từ đình về đền tế lễ, có đoàn múa sư tử với 24 người, cờ trống và đội hình bát âm cùng theo đoàn rước. Đến ngày mồng 10 rước hoàn cung kết thúc hội. Các ngày lễ hội, làng còn tổ chức các trò diễn dân gian như đấu vật, bịt mắt bắt dê… Ngoài ra, trong một năm còn có lễ tiệc vào các ngày sinh, hoá của các vị Thần, với việc làm lễ đơn giản.

Ngôi đình vốn là một ngôi đền chuyển hóa thành đình nên có quy mô không to lớn. Tuy nhiên nó vẫn hội đủ những giá trị của một nghị đình cổ. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật mang nét phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra đình Thống Nhất đã góp phần trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã trở thành một trạm cứu chứa thương bệnh binh.

Đình Thống Nhất là công trình văn hoá của làng xã, hàng năm làng vẫn mở lễ hội, nhám lưu truyền nét truyền thống từ xưa, và cũng là để đáp ứng nhu cấu văn hoá tinh thần của cộng đồng cư dân nơi đây.

Hình ảnh di tích

Đình Thống Nhất nhìn từ hướng Tây Nam

Mặt bằng tổng thể đình Thống Nhất

Nghi môn đình Thống Nhất

Không gian nội thất Đại bái

Bẩy hiên Đại bái

Vì nách Đại bái

Vì nóc Đại bái

Đầu dư Đại bái

Hậu cung đình Thống Nhất

Ban thờ Thành hoàng làng

Bia “Xuyết lưu từ bi ký”, niên đại Tự Đức thứ 22 (1869)