Di tích Đình Viên Đình – Ứng Hòa

Giới thiệu chung

ĐÌNH VIÊN ĐÌNH

Đình Viên Đình toạ lạc trên khu đất cao thuộc xóm Đình, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.

Theo cuốn thần phả và lòng thần vị trong ngai thờ ghi sự tích vị Thành hoàng làng là Bảo Quang Cư Sĩ, Mỹ tự thần hiệu: Minh Linh Đại Vương. Là người văn hay võ giỏi, đã được vua Lê Thái Tông trọng tài năng và gả công chúa Diệu Hạnh, ban quan lộc.

Đình Viên Đình ngoảnh hướng Nam, có hồ bán nguyệt là đoạn sông cổ (Măng giang). Đường làng uốn quanh như con rồng đất bao quanh đình. Bố cục đình gồm có: Cổng đình, đại bái, hậu cung. Đây là công trình kiến trúc thời Lê thế kỷ XVII.

Cổng đình giáp với đường làng có 3 cửa ra vào. Cửa chính rộng 4m, hai cửa phụ rộng 1,1m. Hai cột đại trụ to cao tới 4,5m. Trên xây đắp “lưỡng nghê hí cầu”, đứng trên đầu hổ phù. Hộp đèn lồng 4 phía đắp tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Thân cột hình vuông 50 cm x 50 cm, cao 2,6m, dưới đế thắt cổ bồng. Hai bên cổng “tả môn, hữu môn”. Kiến trúc tường xây phía trên có bốn mái đao cong làm ngói ống. Trên bờ nóc có lưỡng long chầu nguyệt. Trên thân cột và đại trụ ghi những đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ:

Câu đối 1: “Ông cha dựng xây đình thủa trước

Con cháu giữ gìn tiếp đời sau”

Câu đối 2: “Thế hệ ông cha xây dựng quê hương đình lịch sử

Đời nay con cháu vun trồng hưởng lộc nhớ quê hương”

Qua sân đình lát gạch là vào đại bái đình. Toà đại bái là công trình cổ to lớn, đồ sộ nhất vùng phía Đông Nam huyện Ứng Hoà. Nhìn tổng thể dáng đình lùn, 4 mái đao cong, hai đầu bờ nóc có kìm miệng ôm ngậm bờ nóc đuôi soắn, ở giữa là hai rồng chầu mặt trời tròn uốn cong, tầu mái hợp với đao cong nhìn xa như mạn thuyền khổng lồ. Những cột hiền, nâng bộ kẻ đỡ lá tầu hiên bằng cả thân cây gỗ đục chạm rồng cách điệu Long vân”, cửa ra vào là những bộ cửa bức bàn cổ. Mái đình to rộng lợp ngói ri. Ngôi nhà đại bái phân chia làm 5 gian, 2 dĩ, ứng với nó là kiến trúc khung nhà gỗ có 6 bộ vì, mỗi bộ vì 4 hàng cột, tổng số 24 cột. Cột chính chu vi 1,95m; cột quân chu vi 1,60m. Dưới kê tảng đá được đẽo gọt hình vuông 70cm x 70 cm, giữa đặt cột hình tròn đường kính 70cm. Những bộ vì ở đại bái có hai kiểu: chữ Đinh và giá chiêng con nhị. Gian giữa ở phía dưới là vì cốn đục chạm trang trí hoa văn cổ. Những bức trên khung vì được miêu tả như sau:

Bức cốn thứ nhất: Có rất nhiều rồng đang quây quần vui đùa với nhau, có rồng lớn, rồng nhỏ, soắn bên nhau. Bức tranh họa lên cuộc sống hạnh phúc thanh bình. Với cách bài trí từng cặp rồng: Rồng mẹ, rồng con tên gọi là “mẫu tử long”. Nghệ thuật đục chạm bong kênh kép. Đường nét dứt khoát thanh thoát, thân rồng tròn lẳn. Đầu nhỏ, mũi dẹt, tai dơi, miệng rộng bè, râu bờm vuốt thẳng hình đao mác, 4 chân móng, phong cách điêu khắc dạng phù điêu nổi thế kỷ XVII.

Bức cốn thứ hai: Mô tả đàn rồng trong mây, mây cách điệu như nước có đầm sen hoa lá và cua, cá… gọi là ngư long quần thực. Những loài cá, rồng đang cùng vui trong một đời sống no đủ yên ấm.

Bức cốn thứ ba: Mô tả cảnh 5 con rồng đang quay quần gọi là ngũ long”. Một gia đình nhà rồng có trên dưới, trước sau sống trong trật tự và hạnh phúc. Những con rồng hiền hoà ưa nhìn với những mác đao vân mây, dáng rồng thon đuôi, bút long phong cách nghệ thuật điều khắc phù điêu thế kỷ XVII.

Đặc biệt, ở đây chúng ta còn thấy những bức phù điêu hình thể khối đục bong kênh tác phẩm “nàng tiên cưỡi rồng”. Mỗi nàng tiên cưỡi một rồng ở tư thế đang bay là một tác phẩm nghệ thuật đầy trí tuệ sáng tạo. Tiên như có cánh bay cưỡi trên lưng rồng. Ở dạng phù điêu khối, nên rồng nhìn thẳng nổi rõ mắt, mũi, mồm và bờm dẹt. Đường nét mác mây thẳng, nhưng rất mộng ảo, làm chúng ta ngỡ ngàng với sự tài hoa và trí thông minh của người thợ thủ công xưa.

Bộ vì cổ nhất là ở hai vì gian bên làm kiểu chữ đinh, kẻ suốt. Từ nóc có lá dép kê thượng lương, bộ vì chữ đinh là một kẻ thẳng vuông góc giữa câu đầu. Hai bên kẻ mái dốc phía trên phân chia cắt lỗ đặt hoành. Dưới là câu đầu cắt ngoàm đặt vào đấu vuông đặt trên đỉnh cột cái. Tiếp từ cột cái xuống cột quân là kẻ suốt làm bằng cả một thân cây gỗ nhỏ đường kính chừng 0,2m được gọt đẽo thon suốt. Trên đầu kẻ cắt mộng khớp vào đầu cột xẻ. Đầu kẻ hình mõm nghé, thon thân, to dần xuống cuối điểm giáp cột quân. Trên thân kẻ đục chạm hoa văn móc soắn “long vân” mây hoá rồng… Ở trên một thân kẻ có dòng chữ Hán ghi việc làm đình và phân bổ đầu việc:

– Phiên âm: “Tân mão niên lục nguyệt sơ tứ nhật, Tân Toàn, Tân Ninh, Tây Sơn, An Trung, cộng tứ giáp đồng thụ bỏ trợ tứ đình, tự bán thượng. Lưỡng dĩ hạ, dĩ Tây Nam vi bản, phân lưu hậu tứ phân mỗi giáp thụ nhất phân chiên thử”.

Dịch nghĩa: Ngày 4-6 năm Tân Mão (1651) giáp Tân Toàn, Tân Ninh, Tây Sơn, An Chung, dựng tứ trụ; phần còn lại giao cho giáp Tân Ninh làm nửa phần trên, còn nửa phần dưới giáp Tây Nam chịu trách nhiệm (4 giáp cùng nhau làm ngôi đình này).

Trên câu đầu có ghi dòng chữ Hán về niện đại tu sửa: “Hoàng Triều Khải Định bát niên (1923) tuế thứ Quý Hợi trọng xuân đại cát nhật tứ giáp trùng tu”. Như vậy đến năm 1923 bốn giáp của làng Viên Đình đều tập trung tiền tài công sức để tu sửa tôn tạo lại đình. Thông qua những dòng văn chữ Hán ghi trên kẻ, câu đầu cho chúng ta biết ngôi đình được xây dựng kể từ thế kỷ XVII và đến đầu thế kỷ XX được trùng tu lớn.

Trên khung, bộ vì, rường, cốn đều chạm khắc những tác phẩm: “quần long”, “Tiên cưỡi rồng”, có nghê, voi, ngựa, long mã… bốn đầu dư gian chính giữa đục chạm đầu rồng công phu có những bộ râu, bờm mác thẳng và bay mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Ở gian bên trên xà ngang treo 2 cuốn thư trang trí trên trán và xung quanh hoa văn rồng phượng, hoa lá. Nền màu vàng viết bài minh văn của Hội tư văn cung tiến:

Bức thứ nhất: “Tổ quốc thần duy tại

Tượng tôn đỉnh trĩ đồng

Viên Đình tự khả hộ

Cổ miếu huân sùng hồng

Linh hợp liên âu á

Xuất hoà phong vũ thuận

Vạn vũ tụng kinh đường”

Dịch nghĩa: Thần ngự trên đất nước

Lòng tựa vững đỉnh đồng

Viên Đình nơi bảo hộ

Miếu xưa rạng nghiệp hồng

Thịnh vượng âu cùng á

Ánh sáng toả hào hùng

Trời điều mưa gió thuận

Vạn nhà reo tiếng kinh

Bức thứ hai: “Hoa khai đức thống thừa

Tư mỹ bàng nga anh

Phỏng phật liên sinh bộ

Thi ngọc bội thanh

Thần công chiêu cáp cảnh

Mẫu đức biến quần sinh

Việt điện phương danh trứ

Tụ phong sứ tự vinh”

Dịch nghĩa: Đạo đức lớn làm hoa nở

Nét đẹp rạng rỡ thêm

Thăm phật bước hoa sen

Vẫn đây tiếng ngọc reo

Công thần chiếu góc son

Đức mẹ khắp muôn loài

Đất Việt thơm danh ấy

Tụ phong vinh đất này

Di vật

Đình Viên Đình còn bảo tồn được những hiện vật sau:

– Cuốn thần phả ghi sự tích vị thần được thờ ở đình viết bằng chữ Hán, bìa cậy, khổ 19cm x 13cm.

– 03 cỗ ngai trong lòng có bài vị: Cỗ ngai giữa có quy mô to lớn, nghệ thuật điêu khắc đẹp, tay ngai chạm đầu rồng, bệ đục chạm nhiều ô hoa văn hoa lá và băng hoa văn dải cánh sen. Bốn chân kiểu chân quỳ dạ cá. Giữa là tấm thần vị làm kiểu hình nhân, trên là đầu giữa vòng tròn toả sáng bằng vân mây, hoa, lá. Dưới thân hai bên riềm là mảnh hoa văn sen cúc… giữa lòng thần vị có dòng chữ Hán: “Bản cảnh thành hoàng Minh Linh hiệp thắng càn vũ quốc chính tôn thần lại phong là tiên dực bảo trung hưng muôn đời”.

– 01 quả chuông đồng được đúc vào triều đại nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái thứ 9 năm Đinh Dậu mùa đông tháng 11. Trên thân chuông có ghi 4 chữ Hán “Viên Đình thần chung” – Chuông đình Viên Đình, do bản thôn Văn Hội cung tiến.

– 02 cuốn thư.

– 02 đại tự có nội dung:

+ Phiên âm: “Thần nhi hóa”

+ Dịch nghĩa: Thần mà biến hoá

+ Phiên âm: “Đắc ngũ thần thông”

+ Dịch nghĩa: Thần phép hiểu được ngũ hành

– Một đôi câu đối:

+ Phiên âm: “Thần Hoàng giáng hạ lưu thiên cổ

Thánh Đức tôn nghiêm dẫn vạn dân”

+ Dịch nghĩa: Thần Hoàng giáng hạ lưu thiên cổ

Thánh Đức tôn nghiêm dẫn muôn dân

– 02 bộ đỉnh đồng, bộ chấp kích 8 chiếc chất liệu đồng, 1 kiệu bát cống, 2 phỗng thờ, 2 bình sứ men trắng hoa lan, 3 đôi lọ lộc bình, 2 ngựa gỗ, 2 đẳng thờ, cây quán tẩy, trống da và nhiều đồ thờ nhỏ.

Ngôi đình làng Viên Đình là công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào triều Lê năm Tân Mão (1651), triều Nguyễn, đời vua Khải Định thứ 8 (1923) nhân dân tu sửa những chi tiết nhỏ không làm biến dạng kiến trúc của đình.Giá trị nổi trội nhất của đình Viện Đình là kiến trúc – nghệ thuật điêu khắc. Tại đây, hàng năm diễn ra ngày hội làng truyền thống có rước kiệu, tế lễ thành Hoàng tôn nghiêm nhằm giáo dục truyền thống, kỷ cương để mọi người noi gương tinh thần yêu nước vì dân vì nước của vị Thành hoàng mà làng đã suy tôn.

Hình ảnh di tích

Đình Viên Đình nhìn từ hướng Tây Nam

Mặt bằng tổng thể đình Viên Đình

Nghi môn

Không gian nội thất Đại bái

Gian giữa Đại bái

Bẩy hiên Đại bái

Vì nách Đại bái

Vì nóc Đại bái

Niên đại trùng tu năm Khải Định thứ 8 (1923) khắc trên dạ câu đầu Đại bái

Bài vị, ngai thờ ở Hậu cung

Tượng phỗng ở Hậu cung

Chuông “Viên Đình thần chung”, niên đại Thành Thái thứ 9 (1897)