Bảo tàng Khu Cháy – một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng
Địa điểm:
phía Nam huyện Ứng Hòa, Hà Nội
Giờ mở cửa
Thông tin không khả dụng.
Giá vé tham quan
Thông tin không khả dụng.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài, gian khổ, Khu Cháy thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ (sau là Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), là một điển hình tiêu biểu của căn cứ kháng chiến trong lòng địch.
Khi mới thành lập, Khu Cháy chỉ có 4 xã Trung Tú, Đồng Tân, Trầm Lộng, Hòa Lâm, sau đó khu Cháy được mở rộng ra 12 xã phía Nam huyện Ứng Hòa và 10 xã của Phú Xuyên với diện tích khoảng 205 km2.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân Khu Cháy đã đánh 615 trận, tiêu diệt 10 đồn địch, bao vây, bức rút 6 đồn, tiêu diệt và bắt sống 2.687 tên địch, thu 868 súng các loại. Cùng với làng kháng chiến Nam Hồng với địa đạo ngay trong lòng đất, Khu Cháy là địa danh nổi tiếng, là niềm tự hào của Hà Nội nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại để giành quyền sống trong độc lập, tự do, hòa bình.
Ghi nhớ công lao của quân dân Khu Cháy, năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khu Cháy, Nhà nước đã cho xây dựng Bảo tàng tại xã Đồng Tân, trung tâm của khu Cháy, huyện Ứng Hòa. Những hiện vật quý giá còn lưu giữ được đã là minh chứng hùng hồn, kể cho thế hệ sau về tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của ông cha.
Với gần 1000 tài liệu, hiện vật và hình ảnh trưng bày trong 4 chủ đề, Bảo tàng Khu Cháy chuyển tải 4 nội dung chính: Địa thế hiểm yếu của Khu Cháy; Nhân dân Khu Cháy có truyền thống yêu nước quật cường và truyền thống văn hoá phong phú; Công cuộc kháng chiến của nhân dân Khu Cháy, một điểm sáng trong thời kỳ chống Pháp ở Hà Đông (cũ); Chiến công của nhân dân và du kích Khu Cháy trong lòng nhân dân Hà Đông (cũ) và nhân dân cả nước; Phát huy truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Khu Cháy quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bảo tàng Khu Cháy hiện nay trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý: Chiếc mã tấu, đồng chí Đỗ Mười – Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam – đã sử dụng cùng nhân dân trong vùng giành chính quyền năm 1945 ở các xã Khu Cháy; chiếc choòng bắt lợn, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nguỵ trang giả làm người buôn lợn để hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 – 1945; bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi du kích Khu Cháy; những đồ dùng hàng ngày của nhân dân Khu Cháy đã sử dụng để nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Khu Cháy; những vũ khí hiện đại thực dân Pháp đã sử dụng để tra tấn chiến sĩ, đàn áp phong trào cách mạng ở nơi đây… Mỗi hiện vật, mỗi tài liệu là minh chứng xác thực về tinh thần quả cảm của quân, dân Khu Cháy hết lòng đấu tranh vì sự tự do, độc lập của Tổ quốc