Di tích Đình Phượng Viền – Ứng Hòa
Địa điểm:
thôn Phượng Viền, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Giờ mở cửa
Thông tin không khả dụng.
Giá vé tham quan
Thông tin không khả dụng.
Đình Phượng Viền là tên gọi theo địa danh của thôn Phượng Viền, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Thời Lê, Phượng Viền theo cấu trúc “Nhất xã nhất thôn” (nhất thôn nhất xã), thuộc tổng Đạo Tú, phủ Ứng Thiên (sau là phủ Ứng Hòa), tỉnh Hà Đông. Thời Nguyễn, thôn Kim Đường thuộc tổng Đông Lỗ, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Sau cách mạng Tháng tám, hợp nhất 4 xã Mãn Xoan, Tu Lễ, Cung Thuế và Kim Bồng thành xã Ngũ Lão. Năm 1968, xã Ngũ Lão đổi tên thành Kim Đường và giữ nguyên từ đó đến nay. Năm 2008, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, thuộc về Hà Nội.
Đình Phượng Viền thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Đại vương và Tứ vị Phú hào Tế thế hộ thần; Bản thổ Linh phù Đại Vương; Trung Đức Dũng công Dực Vận Đại Vương; Pháp Hằng Cư sĩ hiển Hựu Đại Vương; Hùng Đức uy dũng Anh Triết Đại vương. Các vị đều có công lớn trong công cuộc chống quân Hán.
Đình Phượng Viền theo nghiên cứu có thể được khởi dựng vào thời Nguyễn trước năm (1902), căn cứ quả chuông Thành Thái Nhâm Dần niên (1902), sắc phong hiện còn lưu giữ tại đình Phượng Viền cho biết: Sắc có niên đại sớm nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924) và trên thượng lương ghi vào giờ Tý ngày lành (tức 13 tháng 12) năm Khải Định thứ 3 (1918) dựng trụ đặt thượng lương.
Năm 1951, sau nhiều trận càn quét của giặc Pháp nhằm biến khu Cháy nói chung và Kim Đường nói riêng thành “Khu Trắng” kiến trúc đình Phượng Viền bị ảnh hưởng nhiều do chiến tranh. Năm 1954, trong tiến trình cải cách ruộng đất, các hoạt động kinh tế xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động một số cấu kiện gỗ của đơn nguyên kiến trúc đình Phượng Viền để xây dựng trụ sở Ủy ban hành chính xã. Năm 1963, dựng lại khung đình nhưng còn giản lược. Năm 1976, tu bổ mái kiến trúc đình. Năm 1996, kiến trúc đình Phượng Viền lại được trùng tu tôn tạo lại với quy mô kiến trúc như hiện nay. Năm 2005, xây tường bao, cổng đình, sân đình và quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên đình.
Đình Phượng Viền nhìn từ hướng Đông Nam
Mặt bằng tổng thể đình Phượng Viền
Nghi môn đình Phượng Viền
Đại bái đình Phượng Viền
Hiên trước Đại bái
Không gian nội thất Đại bái
Thượng lương ghi niên đại Khải Định thứ 3 (1918)
Hoành phi “Thánh cung vạn tuế”, gian giữa Đại bái
Bài vị, ngai thờ ở Hậu cung
Chuông đồng, niên đại Thành Thái Nhâm Dần (1902)
Đình Phượng Viền bao gồm các hạng mục: sân, vườn, ao, nghi môn, miếu Mẫu, hạng mục chính gồm: Tiền tế và Hậu cung, đình được bố cục theo kiểu chữ đinh (丁).
Nghi môn đình được xây dựng vào thế kỷ XX theo kiểu trụ biểu, lối đi chính là hai trụ biểu, trên đỉnh trụ đắp búp sen, dưới bút sen thắt cổ bồng các ô lồng trang trí “Tứ quý”. Thân trụ kẻ gờ chỉ, dưới ô lồng là rơi ngậm đôi câu đối bằng chữ Hán nhằm ca ngợi cảnh quan ngôi đình và công đức của vị Thành hoàng. Nối liền giữa hai trụ biểu lớn sang hai bên hai cổng nhỏ là bức tường lửng, trên cổng nhỏ lợp ngói giả ống, chính giữa nóc đắp mặt nguyệt. Nối sang hai bên là bức tường bao quanh đình.
Tiền tế đình quay hướng Nam kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, trên nền cao hơn với mặt sân 30cm, xung quanh xây bó vỉa, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp đấu đinh. Chính giữa bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời. Tiết diện với hai đầu bờ dải 120cm là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu vào nhau, dưới thắt cổ bồng, tạo ô lông đèn trang trí “Tứ linh”, thân trụ kẻ gờ chỉ, giữa viết chữ Hán. Tiếp giáp bức tường hồi tại đây đắp tượng Vũ Đinh và Thiên Ất. Phía trước nhà tiền tế mở 3 cửa, 6 cánh kiểu bức bàn thượng song hạ bản, hai bên gian hồi trổ ô hình chữ thọ lấy ánh sáng vào bên trong của ngôi đình. Qua cửa vào bên trong lòng nhà tiền tế là một nếp nhà ngang 3 gian, 2 dĩ. Chiều dài 11,40m, chiều rộng 7,1m; ba gian giữa rộng 3m và hai dĩ rộng 1m20, được kết cấu tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái, làm theo kiểu “Chồng rường con nhị, kẻ ngồi, bẩy hiên” trên mặt bằng 4 hàng chân cột gỗ. Một câu đầu lớn, khỏe nối 2 trụ đầu cột cái theo kiểu xẻ mộng đầu cột. Trên lưng câu đầu đỡ 2 trụ trốn qua đấu kê nhỏ hình vuông thót đáy, đầu 2 trụ trốn đỡ một rường đỡ thượng lương đấu hình vuông. Dưới xà ngang đầu dư ăn mộng vào các đầu cột cái. Nối từ cột cái sang cột quân và xà kiểu Kẻ ngồi được bào trơn đóng bén. Mặt bằng nội thất 4 hàng chân cột gỗ đỡ bộ khung vì. Cột gỗ được kê trên chân đá tảng hình tròn. Trong đó hàng cột cái có đường kính 350cm, cột quân đường kính 250cm. Bẩy hiên chạm nổi vân mây được ăn mộng vào cột cái bên dưới câu đầu qua cột hiện rồi vươn ra đỡ tàu mái. Nền nhà lát gạch Bát Tràng vuông đỏ, hai gian bên xây bệ gạch cao hơn nền đình 30cm làm sàn để ngồi trong những ngày hội họp và việc làng.
Hậu cung có kết cấu kiến trúc 2 gian dọc nối liền gian giữa tiền tế là hệ thống xà và nối với hậu cung là vì hồi được làm theo kiểu vì “Ván mê” được chạm nổi mặt hổ phù ngậm chữ “thọ”, bên cạnh trang trí đôi rồng chầu vào nhau. Dưới xà nách và hai bên được chạm nổi phượng hàm thư và hoa lá, qua cửa bước vào bên trong tòa hậu cung được kết cấu với 2 bộ vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén, trên mặt 4 hàng chân cột đỡ khung vì, hai hàng gối tường. Cột có đường kính cột quân 250cm, cột quân 150cm. Khoảng cách của các gian; gian ngoài 3m; gian trong 2m20 . Mái lợp ngói ta, nền lát xi măng. Hậu cung đặt long ngai bài vị, bát hương, mâm bồng và những đồ thờ tự khác có giá trị.
Trải qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử, hiện nay đình Phượng Viền còn bảo lưu được một số di vật như sau: Sắc phong, hoành phi, câu đối, chân đèn, mâm bồng, bát hương, long ngai, bài vị, ỷ thờ, đài nước, chuông.
Đình Phượng Viền hàng năm khai hội vào ngày 12 đến ngày 13 tháng 6 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: giã thóc thành gạo, kéo nùn lên lửa, chạy lấy nước về nấu cơm, vật, cờ tướng, chơi đu, chọi gà…
Đình Phượng Viền là một trong những di tích lịch sử, văn hóa có niên đại khởi dựng khá sớm. Trải qua quá trình tồn tại, phát triển dưới tác động của lịch sử, tự nhiên và xã hội, tuy di tích không còn giữ được sự bề thế, quy mô vốn có trước đây, song những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật vẫn được bảo tồn và góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người dân nơi đây, nơi bảo tồn được một không gian kiến trúc của ngôi đình làng truyền thống, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao những giá trị gắn kết tình làng nghĩa xóm của người dân địa phương từ xưa đến nay.