Di tích Đình thôn Cầu – Ứng Hòa

Danh mục:

Địa điểm:

Xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.

Giờ mở cửa

Thông tin không khả dụng.

Giá vé tham quan

Thông tin không khả dụng.

Giới thiệu chung

Đình thôn Cầu toạ lạc trên khu đất ven dòng sông cổ ở giữa trung tâm xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.

Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân thôn và căn cứ vào cuốn thần phả còn lưu giữ tại đình do “Lễ bộ thượng thư, quản giám bách thần, triều Lê phụng soạn truyện” thì đình Cầu thờ Quảng Bác đại vương là anh hùng đánh giặc giỏi, trị thuỷ rất tài, là anh hùng văn hoá từ thời đại Hùng Vương dựng nước ở tại vùng đất trũng xã Minh Đức ngày nay.

Theo các cụ già làng kể thì đình làng Cầu được xây dựng từ lâu đời dáng lùn, mái đao cong. Kết cấu ngôi đình cũ có toà đại bái, trung cung và hậu cung. Hai bên có tả vu và hữu vu. Ngôi đình ấy do thời gian đã bị mai một. Đến thời Nguyễn nhân dân làm lại ngôi đình, trên nền đất cổ. Ngôi đình hiện nay có niên đại xây dựng vào triều Tự Đức thứ 28 (1875).

Nhìn tổng thể đình làng Cầu có quy mô kiến trúc khiêm nhường với một công trình chính là Đại đình, phía sau có hậu cung, bên trái là ngôi nhà khách đơn giản, phía ngoài cổng có hệ thống cột trụ mới được tôn tạo. Ngoài sân được trang trí một cuốn thư Rồng chầu mặt nguyệt, và một bể nước có núi non bộ. Đại bái là công trình kiến trúc cổ, có chiều dài 15m, rộng 6m. Tường xung quanh xây dựng bằng gạch, theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Giữa bờ nóc có khối tròn biểu tượng mặt trời toả những ánh hào quan trong không gian, liên tưởng như ánh sáng truyền thống của vị thần rọi sáng tới muôn dân. Mái đình lợp bằng ngói ri cổ. Phía tay ngai của hiên đình người xưa đắp phù điêu hai vị thần trông coi ở tư thế oai phong lẫm liệt, thân mặc áo giáp, tay cầm đại đao để giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ thành hoàng.

Cấu trúc những bộ vì của ngôi đình có những nét riêng biệt của từng vì do việc thi công của nhiều hiệp thợ. Đại bái có 6 bộ vì. Mỗi bộ vì nằm trên 4 hàng cột tròn có đường kính trung bình 35cm. 6 bộ vì này làm đối xứng nhau, hai bộ vì sát đốc, hai bộ vì bên và hai bộ vì gian giữa. Bộ vì áp đốc làm theo hình thức vì thượng mê cốn hổ phù, vì hạ chồng rường đấu sen. Mặt hổ phù ở trên vì thượng có tính chất ước lệ khắc nổi lên những diện tạo thành tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian.

Bộ vì thượng làm theo kiểu thượng đinh hạ kẻ suốt. Bộ vì thượng đứng trên cầu đầu là một thanh gỗ thẳng trống lên thượng lương, hai bên là kẻ bánh dong. Bộ vì hạ phía tiền và phía hậu đều là kẻ trục chạy suốt từ đầu cột cái xuống đầu cột quân và xuống tại bẩy nâng tàu mái. Trên lớp kiến trúc này ít thấy sự trang trí hoa văn ngoài các đường gờ chỉ soi vỏ măng.

Bộ vì gian giữa làm theo kiểu trồng rường đấu dép. Bộ vì thượng trên câu đầu là hệ thống những con rường trơn được kê lên nhau qua các đấu dép mỏng hình vuông. Trên những con rường này không trang trí hoa văn. Ở hai vì hạ phía tiền và hậu làm theo kiểu cốn trồng rường, cốn được đục chạm những mảng hoa văn hình vân mây, hình lá cách điệu. Đặc biệt ở trên bộ vì này có 4 đầu dư ở dưới bụng câu đầu đều được đục chạm hình đầu rồng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ khá điển hình phong cách của thời Nguyễn.

Phía dưới của những lớp kiến trúc này đều là đầu kẻ bẩy hiện cũng được đục chạm tinh vi ở trên thân kẻ, bẩy. Thân rồng lộ rõ những lớp xoắn, chân to, mồm rộng, môi mỏng bờ tóc soắn và tù. Ở trên hai bộ vì này còn có những bức cốn bằng phương pháp đục chạm các đề tài “tứ linh” “tứ quý” một đề tài quen thuộc trong các đình làng Việt Nam biểu hiện cho sức mạnh, sự giàu sang, sự bền vững trường tông vĩnh cửu, bốn mùa tươi tốt.

Phía trong đại bái có gian hậu cung là nơi đặt long ngai, bài vị thờ thành hoàng làng. Về kiến trúc được làm rất đơn giản bào trơn đóng bén, hoành rui gỗ, mái lợp ngói ri cổ mới xây dựng sau này.

Nhìn chung ngôi đình được xây dựng trên địa thế khang trang thoáng đãng, cảnh quan đẹp. Về nghệ thuật điêu khắc tuy thể hiện nghệ thuật phong cách thời Nguyễn nhưng lại được thể hiện ở các đề tài rất phong phú. Từ những chi tiết nhỏ của kiến trúc đều mang các khắc hoạ nghệ thuật mà đường nét sắc sảo tinh tế. Đồng thời cũng toát lên được nội dung những suy nghĩ tình cảm, tâm tư ước nguyện của nhân dân gửi gắm ở đây.

Lễ hội truyền thống đình thôn Cầu

Lễ hội truyền thống đình thôn Cầu được mở vào ngày 12 tháng 6 âm lịch hàng năm. Theo các cụ già làng kể lại, vào ngày hội chính dân làng có tổ chức rước kiệu. Chuẩn bị cho ngày hội từ ngày 11 dân làng đã ra đình vệ sinh, quét dọn đường làng ngõ xóm. Đến sáng ngày 12 tất cả nam quan, nữ quan có mặt đầy đủ để rước kiệu. Gồm có một kiệu bát cống (kiệu chính), kiệu hương án rước oản quả, kiệu choé rước nước tắm thánh. Đội rước nữ mặc áo cặp trong là màu hồng, ngoài áo the bóng, thắt lưng vân xa, bao dải yếm xanh đỏ. Nam giới gồm 8 thanh niên mặc áo the, nóm chóp dứa, giày chí long, 5 lá cờ, 1 đôi tàn tán, lọng và đổ bát bửu, 1 đội bát âm, đội trống cũng mặc áo để rước. Rước xuống đến Ba Sa (cả 5 thôn mỗi thôn có một đại diện vào mật khẩn thánh lễ hạ vị rước long ngai để đi tắm (mục dục ngài) rước ra sông sau chùa để lấy nước lên và căng mùng tắm thánh (thẻ vị) sau phong mũ áo rước về đền Ba Sa vào cung yên vị sau phá lộc nước về các thôn ăn mừng. Phần hội được tổ chức gắn liền với phần lễ. Các trò chơi như bơi chải, leo cầu, dập nêu, đánh cờ, ca múa, được tổ chức để biểu dương tinh thần rèn luyện sức khoẻ đấu tranh với thiên nhiên chống giặc ngoại xâm.

Ngoài lễ hội chính, trong một năm ở đình Cầu còn có lễ vào ngày 1 tháng 11 (Thánh hoá). Lễ vật cũng là cỗ chay hương hoa oản quả cúng tế bình thường. Các ngày tết trong năm như tết nguyên đán, tết thanh minh, tết đoan ngọ, tết trung nguyên, tết trung thu… cũng có lễ thần ở đình làng. Các gia đình trong làng có công việc cũng có thể mang ra đình để lễ thần. Lễ vật có thể chạy hay mặn, nhiều hay ít tuỳ thuộc vào hoàn cảnh song truyền thống văn hoá yêu nước cốt chỉ ở tấm lòng.

Đình thôn Cầu là công trình kiến trúc văn hoá mang nhiều ý nghĩa về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Di vật

Đình thôn Cầu còn bảo tồn được những hiện vật có giá trị như sau:

  • 02 cỗ ngai bài vị (1 ngai ở Quán đưa về đình), ngai làm vào thời Nguyễn được chạm trổ công phu hoạ tiết đầu rồng, chấn song con tiện, hoa sen, hoa cúc.
  • 01 kiệu bát cống là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
  • 01 cuốn thần phả bằng chữ Hán và các bản dịch.
  • 01 bia hậu đình ghi công đức những người đóng góp cho việc xây dựng đình làng.
  • 01 đôi câu đối hình lòng máng.
  • 01 bộ tam sự.
  • 2 cây nến đồng.
  • 01 mâm bồng gỗ.
  • 01 hòm sắc.
  • Nhiều đồ tế tự khác.

Trưng bày online

Không có ảnh pano.

ĐIỂM ĐẾN NỔI BẬT

Đền cổ Bách Linh – Ứng Hòa
Đền Bách Linh là một ngôi đền cổ nằm ở thôn Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đền Bách...
Đền Đức Thánh Cả
Nằm tại xã Hồng Quang, Ứng Hòa (Hà Nội), đền Đức Thánh Cả có tuổi đời hơn 1.500 năm. Ở đây, cánh cửa...
Đình Hoà Xá
Đình Hòa Xá được xây dựng ở khu vực trung tâm của làng Hòa Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đình...
Chùa Cao Lãm – Diên Khánh Tự
Tại thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây hiện tổn một di tích mà mỗi khi phật tử đến...
Di tích lịch sử nghệ thuật Đình, chùa Trần Đăng
Thôn Trần Đăng xã Hoa Sơn huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội có một ngôi đình, một ngôi miếu và một ngôi...
Di tích Chùa Dày (Sa Đê Tự) Ứng Hòa
Chùa Dày là di tích kháng chiến chống Pháp, từng là cơ sở an toàn khu (ATK). Năm 1942, chùa là trụ sở...
Di tích đình làng Giang Triều – Ứng Hòa
Đình Giang Triều toạ lạc ở giữa làng trên một gò đất cao hình cánh cung thuộc thôn Giang Triều, xã Đại...
Di tích chùa Giang Triều – Ứng Hòa
Chùa Phổ Am (Phổ Am tự) ở thôn Giang Triều, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ban đầu là một am nhỏ...
Di tích Đình Thống Nhất – Ứng Hòa
Đình Thống Nhất thuộc thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.
Di tích Đình Viên Đình – Ứng Hòa
Đình Viên Đình toạ lạc trên khu đất cao thuộc xóm Đình, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.
Scroll to Top

Tư vấn Tour

Điền thông tin vào form bên dưới, đội ngũ tư vấn viên sẽ liên hệ và cung cấp chi tiết về lịch trình, giá cả